Kiên định chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt

Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và liên ngân hàng đến nay đã giảm mạnh xuống mức thấp do thanh khoản hệ thống dồi dào; tỷ giá ổn định… Đây là những thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong 2 năm qua.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại sở giao dịch Maritime Bank, 115 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.


Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm "Nhìn lại điều hành chính sách của NHNN 2011-2013: Những kết quả và thách thức" do NHNN tổ chức ngày 30/11 ở Hà Nội, một số chuyên gia cũng đã đưa ra một số cảnh báo rủi ro, thách thức liên quan đến các chính sách tiền tệ thời gian tới.

 

Lãi suất cho vay giảm mạnh


Các đại biểu tham dự tọa đàm cho biết: Từ năm 2011 đến nay, thành công nổi bật nhất của chính sách tiền tệ là chính sách lãi suất. Cho đến thời điểm hiện nay khi mà dự báo lạm phát cho cả năm 2013 khoảng 7% thì trước đó, NHNN cũng đưa ra trần lãi suất huy động về mức 7%. Đây là mức lãi suất hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và vi mô.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cho biết: Tính đến tháng 10/2013, mặt bằng lãi suất huy động giảm 2 -3%; lãi suất cho vay giảm 3 - 5% so với đầu năm. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức 3 - 4%/năm đối với các kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất này đã bằng với thời điểm năm 2006, thời điểm trước khi xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô.


Trong vòng 2 năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20 - 25%/năm về bằng mức lãi suất trong giai đoạn 2005 - 2006. Theo báo cáo của NHNN, hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên có từ 7 - 9%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 9 - 11,5%/năm (ngắn hạn) và 11,5 - 13%/năm (trung hạn và dài hạn); những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5 - 7%/năm. Lãi suất huy động trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại hiện phổ biến từ 6 - 8,5%/năm.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lại cho rằng: Mặc dù lãi suất hiện đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn ở mức cao. Con số mà ông tính toán tương đối có thể lên tới 6%/năm. “Liệu có phải chênh lệch lãi suất cao như vậy là do ngân hàng cần có lợi nhuận đáng kể để xử lý nợ xấu?”, ông Thành đặt câu hỏi.


Về vấn đề này, ông Phước cho biết, qua thực tế từng tham gia điều hành tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chênh lệch lãi suất hiện nay theo ông chỉ ở khoảng 2,8%/năm. "Mức chênh lệch lãi suất đó là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý… Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3 - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm," ông Phước tính toán.


Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, hơn 2 năm qua, NHNN đã đồng thời đạt được hai mục tiêu quan trọng là ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lòng tin vào đồng Việt Nam được nâng cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ được đẩy lùi một bước. Nếu như trước đây tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì bắt đầu từ năm 2012 đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản ổn định, yếu tố đầu cơ được hạn chế, thị trường tự do gần như không còn hoạt động công khai. Đồng thời, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh, đến thời điểm hiện tại tăng gấp hơn hai lần so với mức cuối năm 2011.


Kiên định điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ


Mặc dù đã đạt được những thành công nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực lớn trong ngắn hạn, đà tăng trưởng nhanh sẽ không thể trở lại trong 1- 2 năm tới, nếu nóng vội muốn tăng trưởng nhanh thì nguy cơ lạm phát cao lại ngay lập tức có thể quay lại (phải tăng đầu tư, trong khi ngân sách hạn hẹp, đầu tư công vẫn là kênh chủ yếu, áp lực đòi hỏi tăng tín dụng cao). Vì vậy, phối hợp trong điều hành chính sách, nhất là chính sách điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý theo giá thị trường nếu không đồng bộ, lộ trình không được tính toán cụ thể có thể làm phương hại lên mục tiêu ổn định lạm phát.


Một nguyên nhân căn bản và sâu xa dẫn đến lạm phát cao luôn tiềm ẩn đó là tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, dựa vào vốn, cải cách cơ cấu kinh tế còn rất chậm. Vì vậy, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý đã kiến nghị: NHNN nên kiên định lập trường điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt để đạt được mục tiêu xuyên suốt đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tạo điều kiện duy trì lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.


Việc triển khai đồng bộ và nhất quán trong điều hành và sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn; các biện pháp xử lý nợ xấu… sẽ góp phần tăng tổng cầu ở mức hợp lý, cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

Minh Phương

Giới chuyên gia bất đồng về chênh lệch lãi suất huy động-cho vay
Giới chuyên gia bất đồng về chênh lệch lãi suất huy động-cho vay

Tại hội thảo "Nhìn lại điều hành chính sách của NHNN 2011 – 2013: Những kết quả và thách thức" do NHNN tổ chức ngày 30/10, vấn đề chênh lãi suất một lần nữa lại được nhiều chuyên gia đưa ra bàn bạc.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN