Kiểm tra việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm ở vùng Đồng Tháp Mười

Việc khoan giếng ngầm lấy nước mặn, bổ sung muối để nuôi tôm và việc xả thải, rò rỉ, ngập tràn nước nhiễm mặn ra các khu vực, thủy vực nước ngọt sẽ tạo rủi ro rất khó lường.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu của một số hộ nông dân. 

Tuy nhiên, theo bà Khanh, việc này có thể tác động rất lớn đến môi trường, đa dạng sinh học, gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Ngoài ra, chi phí đầu tư lớn, nuôi mật độ cao của người dân dễ phát sinh dịch bệnh. Nguồn nước, bùn xả thải ra ao, kênh bao sẵn có của hộ nuôi, bờ bao thấp, gia cố sơ xài có thể rò rỉ ra bên ngoài, hoặc ngập tràn vào mùa mưa lũ.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý việc khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng không theo quy định pháp luật; việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng; đánh giá tác động môi trường của việc khoan giếng lấy nước mặn và xả thải nước có độ mặn 4 - 6‰ đối với môi trường.

Đối với UBND cấp huyện và xã, ngành nông nghiệp, tỉnh đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn, những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt; việc sử dụng nước mặn từ giếng khoan, bổ sung thêm muối để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt.

Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần theo dõi tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng và  xử lý nghiêm những vi phạm về nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt; trong đó,  các vi phạm về thực hiện chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng, khoan giếng, bảo vệ môi trường, sử dụng chất cấm, chất không có trong danh mục được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

Theo thống kê, các huyện vùng Đồng tháp Mười của tỉnh Long An hiện có khoảng 36,9 ha nuôi tôm thẻ chân trắng; trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng (16,5 ha), Vĩnh Hưng (10,6 ha), Thạnh Hóa (2 ha), Mộc Hóa (7,8 ha). Năng suất trung bình khoảng 1 - 2 tấn/1.000 m2, cá biệt có 01 hộ đạt 5 tấn/1.000 m2. Phần lớn, hộ nuôi không đạt hiệu quả hoặc chỉ hòa vốn và lỗ, một số hộ đang ngừng sản xuất.

Thanh Bình (TTXVN)
Nhức nhối rừng dương phòng hộ bị xâm chiếm để nuôi tôm
Nhức nhối rừng dương phòng hộ bị xâm chiếm để nuôi tôm

Từ khi UBND xã Phổ An (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có chủ trương cho các hộ dân thuê đất dọc theo bờ biển thôn An Thổ để nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều hệ lụy đã xảy ra. Đáng kể nhất là việc các hộ này tự ý chặt phá những gốc dương (phi lao) thuộc rừng phòng hộ để chiếm dụng trái phép mặt bằng, cơi nới hồ tôm, ao ương và nhiều công trình khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN