Kiểm tra tải trọng xe tự động, số lượt vi phạm giảm ‘bất ngờ’

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), sau 6 tháng thí điểm lắp đặt 2 bộ cân kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) tự động trên quốc lộ 5 (từ 15/8/2020 đến nay), số lượt xe vi phạm bị xử phạt đã giảm hơn 49,3 lần so với 7 bảy tháng đầu năm 2020. Kết quả này cho thấy cần sớm nhân rộng biện pháp này trên các tuyến quốc lộ (QL) cả nước.

Hiệu quả từ QL5

Số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau 184 ngày hoạt động thí điểm bộ cân KTTTX tự động tại Km78+830 trên QL5, tổng số xe tải cân kiểm tra là 466.782 lượt xe, có 663 lượt xe (bằng 0,14%) vi phạm quá tải, số xe vi phạm bình quân 3,7 lượt xe/ngày. Trong số xe vi phạm trên, đến ngày 22/3/2021 đã có 63 trường hợp đến chấp hành việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và chấp hành quyết định xử phạt, với số tiền phạt hơn 1,079 tỷ đồng, tước 25 giấy phép lái xe.

Chú thích ảnh
Việc KTTTX bằng bộ cân tự động thời gian qua đã góp phần kiểm soát được xe quá tải lưu thông trên QL5.

So sánh số liệu cân KTTTX 6 tháng qua với số liệu 7 tháng đầu năm 2020, số lượt xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49,3 lần (từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%); số lượt xe vi phạm đã giảm bình quân 48,9 lần, từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 3,7 lượt xe/ngày.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, việc thí điểm đặt 2 bộ cân KTTTX tại Km78+830 trên QL5 đã mang lại hiệu quả cao trong công tác kiểm soát xe quá tải trên tuyến. Qua thời gian triển khai, lực lượng chức năng đã ngăn chặn được các loại xe lắp thêm trục phụ, có thể nâng hạ trục để chở hàng quá tải, chở quá tổng trọng lượng xe quy định tại Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015.

Từ tháng 9/2020, trên tuyến QL5 đã không có trường hợp nào vi phạm quy định này. Các hành vi vi phạm chủ yếu bị phát hiện là vượt quá tải trọng trục 20-30%...

Bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành của các chủ phương tiện được nâng cao, lái xe nhận được thông báo vi phạm sau khi được lực lượng chức năng cung cấp bằng chứng vi phạm đều chấp thuận kết quả và chấp hành quyết định xử phạt; đồng thời, kiểm soát được 100% số lượt xe lưu thông trên QL5 qua đoạn đường đặt thiết bị cân tự động.

Bộ cân KTTTX tự động do Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ hoạt động thí điểm trên QL5 hoạt động theo cơ chế: Sử dụng camera hiện đại tự động chụp lại biển kiểm soát của phương tiện đi qua và lập tức đọc ra 15 thông số (tên chủ xe, khối lượng bản thân của xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng...

Hệ thống cân sau đó sẽ tự động đo lường, phân tích các thông số này như xe nặng bao nhiêu tấn, quá tải hay không quá tải, vi phạm tải trọng cầu đường, tải trục bao nhiêu %... Nhờ tích hợp công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống cân điện tử này cũng có thể thực hiện cân tải trọng khi xe ở trạng thái dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80 km/giờ và chỉ mất từ 3-10 giây, phiếu cân đã có thể được in ra, phục vụ lực lượng chức năng trong việc ra quyết định xử phạt nguội phương tiện vi phạm. 

Cần nhân rộng

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, việc lắp đặt thí điểm hoạt động 2 bộ cân KTTTX trên QL5 thu kết quả khả quan, chứng minh công nghệ cân tải trọng xe tốc độ cao của Nhật (Công nghệ Load Sell – Wim) kết hợp với phần mềm KTTTX tự động của Tổng cục. Đây cũng là bộ cân KTTTX tự động đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, chi phí đầu tư bộ cân, chi phí khai thác dữ liệu phục vụ xử phạt không tốn kém, nhân lực vận hành do các đơn vị quản lý QL phối hợp kiêm nhiệm, không phải bố trí thêm nhân sự... cho thấy hiệu quả kinh tế cao. 

Chú thích ảnh
Lực lượng liên ngành các địa phương tăng cường KTTTX. 

Nếu so sánh với Trạm KTTTX cố định tại các Trạm Dầu Giây, Quảng Ninh... việc giảm từ khoảng 70 người, bao gồm nhân viên quản lý, vận hành, bảo vệ, lực lượng chức năng có thẩm quyền dừng xe, lập biên bản vi phạm hành chính… xuống còn từ 3-5 người chỉ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ; giảm khoảng 10 lần chi phí hoạt động hàng năm (từ khoảng năm tỷ đồng/năm xuống còn dưới một tỷ đồng/năm); không cần nhân viên vận hành và lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường (vị trí đặt thiết bị cân); loại bỏ được tiêu cực do không còn tình trạng tiếp xúc trực tiếp giữa người kiểm tra và đối tượng vi phạm... rõ ràng lợi nhiều mặt. 

Còn về hiệu quả xã hội, với hiệu ứng tuyên truyền từ những lái xe, chủ xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, chấm dứt, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội nói chung và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng. 

Trên cơ sở mô hình thiết kế, công nghệ, cách thức vận hành các bộ cân KTTTX tự động và hình thức xử phạt “gián tiếp” được tổng kết, rút kinh nghiệm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng và trình Bộ GTVT ban hành “Mô hình thiết kế xây dựng, lắp đặt và vận hành bộ cân KTTTX tự động tốc độ cao, một cấp cân” để làm cơ sở pháp lý áp dụng thí điểm tại các dự án trọng điểm như: Dự án lắp đặt cân KTTTX cầu Thăng Long và đường Vành đai 3; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và các dự án khác...

"Kết quả thu được từ bộ cân KTTTX tự động sẽ được sử dụng để xử phạt vi phạm khi xe, người lái xe và chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm. Các phương tiện vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/CP/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt", ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định. 
Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Bộ GTVT yêu cầu xử lý xe quá tải trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Bộ GTVT yêu cầu xử lý xe quá tải trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên tuyến đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN