Xe quá tải ngang nhiên hoạt động
Liên quan đến tuyến đường gom trị giá 60 tỷ đồng qua địa phận tỉnh Bắc Giang thuộc cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn chưa kịp bàn giao đã bị phá hỏng bởi xe quá tải, ông Đặng Đình Quang, Chi cục trưởng Chi cục 1.5-Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tình trạng xe quá tải tái diễn trên tuyến đường chủ yếu về ban đêm, khi lực lượng chức năng vắng bóng. Mặt khác, trong quá trình tổ chức KTTTX và thanh tra trên tuyến, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do lái xe chống đối, không chấp hành hoặc có "chim mồi" theo dõi, báo cho lái xe dừng di chuyển...
Đường gom này bao gồm đoạn Km89+100-Km93+858, kết nối cụm công nghiệp Hương Sơn với Quốc lộ (QL)37 và đoạn đường gom từ Km99+500-Km109+160, kết nối từ đường tỉnh 295, cụm công nghiệp Tân Hưng với Quốc lộ 31. Kết cấu mặt và nền đường chỉ cho phép xe dưới 20 tấn lưu thông, nhưng ngay từ khi đường gom đang thi công đã xuất hiện tình trạng xe quá tải khai thác đất ở khu vực xã Xương Lâm (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) tự ý đi vào công trường khiến quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Thống kê của đơn vị chủ đầu tư Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, trong tháng cuối năm 2020 đã có gần 100 chuyến xe tải nặng chạy qua. Mặc dù, đơn vị đã dựng các rào chắn, barie, trụ bê tông, nhưng nhiều xe ngang nhiên húc đổ barie, tháo bỏ rào chắn để đi vào đường gom...
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện nay, lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở GTVT chỉ KTTTX trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, các lực lượng khác buông lỏng, nên tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ: QL1, QL2, QL3, QL5, QL6, QL10, QL14, QL18, QL19, QL20, QL32, QL37, QL51, QL70, QL279, đường Hồ Chí Minh… và một số đường địa phương, nơi có nguồn hàng là các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa… tại các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Còn theo lực lượng Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ, hiện nay, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do cần phải có sự phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.
Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chưa nghiêm túc trong ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định về vận tải đường bộ. Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ KTTTX hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Thậm chí, không ít doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng, clinke, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định, nhưng thực tế vẫn vi phạm; nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Tăng cường phối hợp KTTTX
Trước thực tế trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị, ngay từ đầu năm 2021, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác KTTTX; UBND các tỉnh, thành phố có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động từ nguồn hàng.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tổ chức và triển khai công tác KTTTX trên địa bàn theo Chỉ thị số 03/CT-BGTVT ngày 12/3/2020 của Bộ GTVT; bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KTTTX phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn. Ban An toàn giao thông cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp KTTTX ngay từ đầu nguồn hàng; lắp đặt các Trạm KTTTX tự động như mô hình Trạm KTTTX do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, lắp đặt trên QL5 (TP Hải Phòng), nhất là trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ có lưu lượng xe lưu thông lớn và cầu Thăng Long mới nnâg cấp, sửa chữa; đồng thời hướng dẫn thực hiện các chế tài xử phạt mới theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường sắt.
Ngoài ra, Tổng cục đề nghị các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, công chức Thanh tra tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm; phối hợp với các cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng nhỏ, bến thủy nội địa tại TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.
Ngày từ tháng 1/2021, Tổng cục chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở GTVT, Công chức Thanh tra GTVT các Cục Quản lý đường bộ chủ động nắm bắt tình hình, phản ánh của báo chí, người dân qua đường dây nóng và căn cứ tình hình thực tế, chủ động kiểm tra đột xuất trên các đoạn đường có nhiều xe quá tải lưu thông, tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; đặc biệt là các trường hợp san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng, các trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật...
Năm 2020, các Trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 134.588 xe, trong đó có 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 162,47 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt Trạm KTTTX lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.