Kiểm soát chặt việc mở lại các đường bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thiện phương án khôi phục các đường bay quốc tế, với đề xuất 6 đường bay sẽ được nối chuyến trở lại, trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét.

Tần suất các chuyến bay như thế nào?

Theo phương án đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, đường bay TP Hồ Chí Minh - Quảng Châu (Trung Quốc) dự kiến được mở lại với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, trong đó, phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác linh hoạt bằng máy bay Boeing 787. Phía Trung Quốc chỉ định 1 hãng hàng không khai thác bằng máy bay A320.

Đường bay Hà Nội - Tokyo (Nhật Bản) nối lại với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên và TP Hồ Chí Minh - Tokyo có tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội - Tokyo bằng máy bay Boeing 787 vào ngày thứ 3 hàng tuần. Vietjet Air khai thác đường bay TP Hồ Chí Minh - Tokyo bằng máy bay A321 vào ngày thứ 3 hàng tuần.

Chú thích ảnh
Kiểm soát chặt việc mở lại các đường bay quốc tế. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Trên đường bay đến Hàn Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác chặng Hà Nội - Seoul với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay Boeing 787. Vietjet khai thác đường bay TP Hồ Chí Minh - Seoul bằng máy bay A321.

Đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) cũng sẽ do Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đầu TP Hồ Chí Minh bằng máy bay Boeing 787 và Vietjet khai thác đầu Hà Nội bằng máy bay A320. Riêng đường bay đến Lào và Campuchia được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nối lại với tần suất 1 tuần/chuyến, do Vietnam Airlines khai thác.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, để có thể triển khai kế hoạch khai thác thường lệ các đường bay này, Cục kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.

Trên các chặng bay tới Trung Quốc, hành khách trước khi lên máy bay phải có giấy xác nhận âm tính với COVID-19 theo phương pháp xét nghiệm real time PCR tại cơ sở do Chính phủ nơi hành khách xuất phát đầu tiên chỉ định trong vòng 5 ngày trước khi khởi hành. Giấy chứng nhận này được gửi đến Đại sứ quán đề xác nhận và gửi lại hành khách trước khi lên máy bay. Ngoài ra, hành khách nhập cảnh Trung Quốc phải cài đặt ứng dụng di động để giám sát và phải cách ly tập trung 14 ngày có thu phí.

Với Hàn Quốc, khách nhập cảnh nước này phải đeo khẩu trang, nhiệt độ không vượt quá 37,5 độ C, tự cách ly tại nhà hoặc cơ sở được chỉ định và phải cài đặt ứng dụng di động để giám sát…

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 27/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương phải bố trí các cơ sở cách ly đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam. Thủ tướng cũng đồng ý mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí; đồng thời giao Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Dự kiến ngày 15/9 sẽ mở lại các đường bay quốc tế

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã xây dựng kế hoạch khai thác trở lại các đường bay quốc tế, trước mắt là bay lại hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản từ 15/9 tới.

Cục Hàng không Việt Nam hiện đã thỏa thuận xong với Hàn Quốc và Nhật Bản về việc khai thác hai chiều thị trường hàng không. Dự kiến sẽ bay 8 chuyến khứ hồi/tuần, Nhật Bản bay 4 chuyến và Hàn Quốc bay 4 chuyến. Tất cả hành khách khi về Việt Nam đều phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định để phòng chống dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trước khi dịch COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng vào cuối tháng 7/2020, Bộ GTVT đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam. Sau khi dịch COVID-19 đợt 2 bùng phát, nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không trong nước đã giảm mạnh do tâm lý e ngại của người dân.

Theo báo cáo tài chính của các hãng hàng không, mặc dù ngành hàng không đã cắt giảm chi phí, bán bớt máy, cắt giảm lương cán bộ công nhân viên, giảm giá vé, song lợi nhuận, doanh thu tài chính của các hãng hàng không nội địa vẫn rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền. Vietnam Airlines dự tính doanh thu cả năm 2020 giảm một nửa, còn 50.000 tỷ đồng và lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng. Vietjet Air đạt doanh thu quý II/2020 khoảng 1.970 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1.122 tỷ đồng.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế cũng mới đưa ra dự báo đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng trên 4 tỷ USD trong năm 2020.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Bộ Giao thông Vận tải nói gì về kiến nghị mở lại đường bay quốc tế?
Bộ Giao thông Vận tải nói gì về kiến nghị mở lại đường bay quốc tế?

Sáng 18/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn trao đổi với phóng viên TTXVN về kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN