Những con cá Tầm được nuôi lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sống khỏe ở vùng nước biến động, sạch có cân nặng khi trưởng thành khoảng trên dưới 30kg và có giá bán 1,5 triệu/kg. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết, quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản tập trung là nhiệm vụ quan trọng giúp cơ quan quản lý và người nuôi trồng thủy sản chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, ứng phó với dịch bệnh thủy sản. Đồng thời, hạn chế thiệt hại khi thay đổi thời tiết hoặc có dịch bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tại các vùng nuôi.
Trong những năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường. Kết quả quan trắc môi trường đã kịp thời được phân tích, đánh giá nhằm phục vụ hiệu quả việc quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản. Từ đó, đưa ra cảnh báo tới người nuôi có giải pháp, nhằm hạn chế thiệt hại.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2024, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc tổ chức 4 đợt đi kiểm tra môi trường nước và tiến hành thu lấy mẫu nước, mẫu cá phân tích yếu tố vi sinh, thủy hóa tại các vùng nuôi tập trung như: Huyện Tân Lạc, Mai Châu, Cao Phong và Đà Bắc. Tần suất quan trắc 1 lần/tháng (tháng 4, 6, 7, 8, 9). Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã thu hơn 100 mẫu nước tại 9 điểm quan trắc nuôi cá lồng, bè của 5 địa phương trong tỉnh Hòa Bình.
Đối với thông số quan trắc giám sát dịch bệnh, kiểm tra các yếu tố môi trường trong nước gồm: NO2, NO3, NH3, kH, độ trong và nhiệt độ; mẫu nước phân tích sẽ tiến hành 2 chỉ tiêu như: Nhu cầu oxy sinh hoá (BOD5) và nhu cầu oxy hoá học COD. Nhóm thông số quan trắc mẫu cá phân tích 7 chỉ tiêu gồm: Phân lập, giám định vi khuẩn Edwardsiella spp, Aeromonas spp, Streptococcus spp, phát hiện nấm, định lượng vi khuẩn, phát hiện ký sinh trùng và kháng sinh đồ đối với vi khuẩn.
Theo ông Lương Thanh Hải, hiện nay tiến độ cung cấp kết quả quan trắc môi trường đã được đẩy nhanh. Kể từ khi kết thúc đợt thu mẫu, đơn vị quan trắc môi trường sẽ gửi kết quả sơ bộ trong 3 ngày và trong 5 ngày gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường đến Chi cục Thủy sản để kịp thời thông báo cho các địa phương. Đồng thời, khuyến cáo các biện pháp xử lý đối với các khu vực nuôi có các chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cho phép.
Anh Võ Minh Bắc, xóm Doi, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã có 8 năm nuôi cá lồng với quy mô 40 lồng nuôi, sản lượng hàng năm khoảng 30 tấn cá thương phẩm các loại. Anh Bắc chia sẻ, trước đây do chưa nắm bắt được thông tin về môi trường nguồn nước nên những lồng cá của gia đình tôi thường xuyên bị nhiễm bệnh như: nhiễm nấm, ký sinh trùng, sán lá đơn… dẫn đến cá chết hàng loạt. Thời gian gần đây, ngoài kỹ thuật chăn nuôi, tôi và các hộ nuôi cá lồng trong xóm, xã đã nắm bắt được thông tin quan trắc môi trường về kết quả phân tích mẫu cá và mẫu thủy lý hóa nguồn nước từ các ngành chức năng. Từ đó, tôi đã chủ động phòng ngừa được dịch bệnh trên cá, hạn chế được thiệt hại.
Ông Lương Thanh Hải cho biết thêm, việc quan trắc thường xuyên tại các vùng nuôi trồng thủy sản giúp người nuôi chủ động theo dõi và phát hiện nhiều nguồn tác động xấu đến môi trường nuôi. Từ kết quả quan trắc, cơ quan quản lý cũng dễ dàng đánh giá tác động của môi trường xung quanh ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Ông Hải cũng khuyến cáo người dân, để phát triển nuôi cá lồng bền vững, cần vệ sinh thường xuyên khu lồng nuôi; theo dõi, kiểm tra sức khỏe của cá, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp tránh gây ô nhiễm nguồn nước; không xả rác, chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra ngoài môi trường; định kỳ khử trùng nước khu vực lồng nuôi, treo túi vôi bột ở góc lồng phía dòng chảy (1, 2 túi), mỗi túi khoảng 3 kg; tăng cường hệ thống sục khí để xử lý trong các trường hợp thiếu oxy khi cần thiết.
Đối với cá nuôi ao, cần thay nước, đánh vôi, tiến hành xử lý diệt khuẩn bằng các sản phẩm có bán sẵn trên thị trường (iodine, clorine….) theo định kỳ, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước ao nuôi; tăng cường chạy quạt khí để phá vỡ sự phân tầng nước, tránh tình trạng cá nổi đầu do thiếu oxy đặc biệt là vào buổi đêm và sáng sớm. Đặc biệt, hạn chế thả giống mới, vận chuyển, san thưa trong thời gian giao mùa…