Kiểm soát chặt dịch cúm gia cầm

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước đang có 40 ổ dịch cúm gia cầm ở 14 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao.

Cụ thể, có 37 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tiền Giang và Hà Tĩnh và 02 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 2 tỉnh: Đồng Tháp, Cà Mau.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 163/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.

Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 đang xảy ra tại các địa phương, đồng thời chủ động ngăn chặn các chủng virus cúm gia cầm xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng nội dung tại Quyết định số 172/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025".

Theo Cục Thú y, giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, kết hợp việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao, tổng đàn gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, nên nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao; đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm.

Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm như: A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Các địa phương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Các đơn vị chức năng hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Các địa phương tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm, chủng A/H5N1 và A/H5N6.

Cục Thú y cũng cho biết, cả nước hiện có 10 ổ dịch lở mồm long móng tại 7 tỉnh Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn và Kon Tum chưa qua 21 ngày.

Về dịch tả lợn châu Phi, cả nước hiện có 134 ổ dịch tại thuộc 59 huyện của 30 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế từ đầu năm là 6.335 con.

Bệnh viêm da nổi cục hiện cũng đang có 58 ổ dịch tại 34 huyện của 15 tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 1.023 con, số gia súc đã tiêu hủy 172 con.

Bích Hồng (TTXVN)
Thủ tướng chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát bệnh cúm gia cầm
Thủ tướng chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát bệnh cúm gia cầm

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 163/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN