Trước đó, ngày 17/12, dịch cúm gia cầm H5N6 phát sinh ở hộ chăn nuôi gà Nguyễn Văn Xuân tại thôn 7 xã Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Tổng đàn khoảng 2.000 con gà thịt trên 40 ngày tuổi, bắt đầu có hiện tượng ốm, chết từ ngày 15/12.
Nguyên nhân phát sinh dịch là do hộ chăn nuôi không kiểm soát được yếu tố nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, không chấp hành khai báo khi nuôi mới. Đây là ổ dịch cúm gia cầm thứ 4 ở tỉnh Quảng Ninh, tính từ đầu năm đến nay.
Ngay trong sáng 18/12, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xuống trực tiếp ổ dịch, hỗ trợ địa phương xử lý dập dịch, đề nghị UBND xã Sông Khoai, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, phòng Kinh tế tham mưu với UBND thị xã Quảng Yên tiêu hủy ngay toàn bộ số gà còn lại của hộ hộ chăn nuôi là 972 con và thực hiện các biện pháp chống dịch cúm gia cầm theo quy định.
Chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháp như vệ sinh tiêu độc môi trường, hướng dẫn hộ dân tiếp tục dọn dẹp phân rác, rắc vôi bột và phun khử trùng tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh; kiểm tra giám sát đàn gia cầm xung quanh khu vực; tập trung lực lượng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm bao vây chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng văc xin cúm gia cầm toàn thị xã; thực hiện truyền thông về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để nhân dân chủ động phòng tránh, tuyệt đối không nhập nuôi mới, tái đàn trong thời gian địa phương đang có dịch…
Ngay sau ổ dịch này phát sinh, để hạn chế nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh trong điều kiện thời tiết bất lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã có công văn đề nghị các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Theo đó, sở này đề nghị UBND thị xã Quảng Yên tập trung nguồn lực kiểm soát, khống chế ổ dịch, xử lý môi trường để tránh lây lan, phát sinh ổ dịch mới; thực hiện thống kê đàn gia cầm chưa tiêm phòng đợt II/2020, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số gia cầm phát sinh, nuôi mới đạt tỷ lệ trên 90% tổng đàn, bảo đảm đáp ứng miễn dịch cho đàn gia cầm tại địa phương.
Đối với các địa phương khác trong tỉnh, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm theo quy định; tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tháng cao điểm vệ sinh khử trung tiêu độc từ nay đến 20/1/2021 trên toàn địa bàn.
Các địa phương biên giới Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái cần tăng cường giám sát, ngăn chặn vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.