Ninh Bình ngăn ngừa dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm do virus cúm A/H5N6 gây ra tại xã Yên Đồng, Yên Thịnh (huyện Yên Mô) và xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) với số lượng gia cầm buộc phải tiêu hủy là gần 6.000 con.

Chú thích ảnh
Cán bộ thú y tiêm phòng cho gia cầm. 

Hiện, mới có ổ dịch tại xã Yên Đồng đã qua 21 ngày.

Các hộ gia đình có gia cầm phải tiêu huỷ bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bệnh bắt buộc phải tiêu huỷ sẽ được hỗ trợ trực tiếp theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng cấp tạm ứng 2 triệu liều vắc xin, 370 tấn vôi bột và 10.000 lít hóa chất Bencocit để cung ứng kịp thời phục vụ công tác tiêm phòng và triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tại các địa phương có ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình đã bố trí lực lượng cán bộ thú y tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia cầm, kiên quyết không cho đưa gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bệnh vào giết mổ. Đồng thời, lập các chốt kiểm dịch xung quanh khu vực ổ dịch, tránh tình trạng vận chuyển gia cầm đi nơi khác tiêu thụ.

Đến nay, các ổ dịch đã nhanh chóng được khoanh vùng, nguy cơ bùng phát cơ bản được dập tắt. Tuy nhiên, thời tiết đang giao mùa vẫn là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xuất hiện trở lại, bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Nhằm chủ động trong việc phòng, chống dịch cúm gia cầm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ngành nông nghiệp nói chung, các địa phương nói riêng của tỉnh Ninh Bình đang tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh việc phân công trách nhiệm cho cán bộ địa bàn trong việc giám sát khu vực có nguy cơ cao, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng  tăng cường công tác thông tin tuyền truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và tuyệt đối không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm chết ra ngoài môi trường...

Chú thích ảnh
Người dân rắc vôi bột tiêu độc, khử trùng quanh chuồng trại chăn nuôi. 

Đặc biệt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cũng phối hợp với ngành chức năng của địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm và tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Cùng đó, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ; thực hiện nghiêm túc công tác khử trùng, tiêu độc và vệ sinh thú y theo hướng dẫn của cơ quan thú y và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường...

Tin, ảnh: Thùy Dung (TTXVN)
Đắk Lắk ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H5N6 lây lan trên diện rộng
Đắk Lắk ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H5N6 lây lan trên diện rộng

Chiều 18/8, ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi dịch cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, ngành chăn nuôi và thú y Đắk Lắk đã khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN