Agribank là một trong 4 ngân hàng thương mại triển khai phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với Hệ thống KBNN (ảnh chụp tại Agribank chi nhánh Quảng Trị). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai mạnh Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt ban hành tại Quyết định 2545 của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thanh toán trong dịch vụ công.
Qua theo dõi các hệ thống thanh toán lớn, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán qua Internet tăng trưởng 81% và mobile tăng gần 70%. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ rút tiền mặt giảm so với năm trước, từ 15% về 10%.
“Có thể thấy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã tác động khá tốt tới lĩnh vực thanh toán như dễ dàng thanh toán tiền điện, điện thoại trên website của các ngân hàng. Đó chính là việc Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm tới việc xây dựng các hạ tầng. Bao gồm phần chuyển mạch, thanh toán liên ngân hàng và xây dựng các tiêu chuẩn cho phép sử dụng các dịch vụ này”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng cần giải pháp truyền thông nhằm thay đổi thói quen và tâm lý của người tiêu dùng.
Trước đó, bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank kiêm Trưởng Tiểu ban Chính sách Hội thẻ Việt Nam cũng cho rằng, cần một cơ sở hạ tầng tiện lợi, an toàn, nhanh chóng cho người dùng. Ở Việt Nam, việc phát triển phương tiện thanh toán vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố, còn ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh thì việc thanh toán bằng thẻ, bằng ngân hàng điện tử còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng nền kinh tế hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt cần mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ cũng đã quyết liệt trong việc thúc đẩy hoạt động thanh toán này. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều văn bản hỗ trợ các ngân hàng cũng như là người dùng để hướng tới một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt văn minh.
Theo các chuyên gia kinh tế, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng (chủ yếu là ngân hàng) và tổng thể nền kinh tế.
Với người tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, an toàn, đặc biệt là giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa. An toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp; an toàn vì tránh được các rủi ro vật lý như rách, mất góc không thể sử dụng.
Đồng thời, các giao dịch không dùng tiền mặt chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ.
Đối với tổng thể kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đến việc tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách mà vấn đề bức xúc nhất hiện nay đó là việc chuyên chở và bảo quản tiền mặt.
Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm soát lạm phát và minh bạch các giao dịch tài chính. Thông qua việc khống chế tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ tái chiết khấu, ngân hàng trung ương gián tiếp điều hoà khối lượng tiền tệ cung ứng, góp phần bảo đảm cho nền kinh tế ở một mức độ ổn định.