Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thẻ Vietcombank, kiêm Trưởng Tiểu ban Chính sách Hội thẻ Việt Nam (VBCA) xung quanh vấn đề này.
Khách hàng thanh toán bằng thẻ VISA tại đại lý xăng dầu PV Oil khu vực Q.Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Xin bà cho biết đâu là những lợi ích mà phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại? Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng (chủ yếu là ngân hàng) và tổng thể nền kinh tế.
Cụ thể, với người tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, an toàn, đặc biệt là giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa. An toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp; an toàn vì tránh được các rủi ro vật lý như rách, mất góc không thể sử dụng. Bên cạnh đó, các giao dịch không dùng tiền mặt chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ.
Đối với tổng thể kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đến việc tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và hủy bỏ tiền cũ, rách mà vấn đề bức xúc nhất hiện nay đó là việc chuyên chở và bảo quản tiền mặt.
Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm soát lạm phát và minh bạch các giao dịch tài chính. Thông qua việc khống chế tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ tái chiết khấu, ngân hàng trung ương gián tiếp điều hoà khối lượng tiền tệ cung ứng, góp phần bảo đảm cho nền kinh tế ở một mức độ ổn định.
Bà đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam? Theo quy định hiện hành, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay gồm: Thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm thu hoặc chi, séc, thanh toán qua thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến (internet banking), thanh toán qua ví điện tử.
Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam đang tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hầu hết các ngân hàng thương mại đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), đồng thời phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, tích hợp đa kênh thanh toán hiện đại từ thanh toán trên di động, trên Internet, dịch vụ tin nhắn chủ động... đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Bên cạnh những dịch vụ phổ biến, các ngân hàng thương mại đã tích cực phối hợp với cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước thực hiện hiệu quả việc thu, nộp ngân sách nhà nước.
Về hoạt động thẻ ngân hàng, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo số liệu của Hiệp hội thẻ tính đến tháng 6/2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt mức trên 112,2 triệu thẻ, tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến... Đến nay, Hiệp hội Thẻ đã có 39 tổ chức tín dụng phát hành thẻ và 38 tổ chức tín dụng thanh toán thẻ.
Bên cạnh đó, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt còn chứng kiến sự nổi lên của hình thức thanh toán qua các loại ví điện tử như thanh toán ví điện tử Momo, nạp rút ví điện tử Payoo hay thanh toán thẻ qua di động Moca.
Ngoài ra, công nghệ QR Pay cũng vừa được triển khai mở rộng tại các ứng dụng của các ngân hàng trên điện thoại di động cũng như ví điện tử. Với phương thức này, khách hàng có thể sử dụng thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng), ví điện tử trên điện thoại di động để quét mã QR (mã phản hồi nhanh hay còn gọi là mã vạch ma trận) tại các đơn vị chấp nhận thẻ liên kết với ngân hàng, thay vì sử dụng thẻ để thanh toán qua máy POS hoặc chuyển khoản.
Với nhiều tiện ích mang lại, dịch vụ thanh toán điện tử hứa hẹn sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới.
Thưa bà, theo thống kê của các ngân hàng thương mại thì có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là rút tiền tại máy ATM. Vậy theo bà đâu là những rào cản lớn nhất khiến phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam? Cần có thời gian để người dân thay đổi thói quen tiêu tiền mặt. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Theo tôi, rào cản lớn nhất chính là thói quen sử dụng tiền mặt và nhận thức của người dân. Trong khi đó, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử và thương mại điện tử khiến cho hình thức thanh toán phi tiền mặt này vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, tình trạng tội phạm trong lĩnh vực thanh toán gia tăng cũng là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng lo ngại. Thực tế là, ở Việt Nam đã xuất hiện tình trạng các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao để ăn cắp tiền từ các tài khoản cá nhân, nhất là với các cá nhân còn thiếu hiểu biết trong việc tự bảo vệ các thông tin tài khoản và các hiểu biết về giao dịch an toàn.
Vậy theo bà đâu là giải pháp mà Việt Nam có thể áp dụng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt? Thứ nhất là sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng nền kinh tế hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ hơn nữa. Ở Việt Nam thì Chính phủ cũng đã quyết liệt trong việc thúc đẩy hoạt động thanh toán này. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều văn bản hỗ trợ các ngân hàng cũng như là người dùng để hướng tới một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt văn minh.
Thứ hai, để phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt phát triển thì chúng ta vẫn cần một cơ sở hạ tầng tiện lợi, an toàn, nhanh chóng cho người dùng. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc phát triển phương tiện thanh toán vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố, còn ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh thì việc thanh toán bằng thẻ, bằng ngân hàng điện tử còn rất hạn chế.
Vì vậy theo tôi, chúng ta cần có chiến lược đầu tư trải rộng để mọi người dân có thể tiếp cận được phương tiện thanh toán này. Thứ ba nữa là cần thay đổi thói quan tiêu tiền mặt của người dân. Việc thay đổi này cũng cần có thời gian bởi đây là thói quen lâu đời của người dân Việt Nam. Ngay cả ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ thì tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn tương đối lớn. Vì vậy, để thay đổi thói quen của người tiêu dùng thì cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để người dân thấy được tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dùng dịch vụ về việc sử dụng giao dịch an toàn với thẻ và ngân hàng điện tử. Theo đó, cần truyền thông để khách hàng nâng cao ý thức bảo vệ thẻ cá nhân và tài khoản ngân hàng điện tử cá nhân, từ việc đặt password của internet banking hoặc thẻ cho đến việc chọn website uy tín để giao dịch.
Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%. Bà dự báo gì về khả năng hiện thực hoá mục tiêu này của Chính phủ?
Theo khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Tổ chức thẻ Visa thực hiện vào tháng 10/2016, có 70% người tham gia khảo sát cho biết phương thức thanh toán điện tử được ưa chuộng hơn so với phương thức thanh toán truyền thống. Trong tổng số hàng nghìn người được khảo sát có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, 29% người tham gia lựa chọn việc mang tiền mặt trong người ít hơn 5 năm về trước.
Theo Số liệu thống kê của Vietcombank, doanh số thanh toán thẻ tín dụng tại Vietcombank cũng chứng kiến sự tăng trưởng liên tục từ 1.185 triệu USD năm 2012 lên mức 95.085 triệu USD năm 2016.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và đến thời điểm 31/12/2016 là 11,49 %.
Thực tế là nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng tiền mặt.
Vì vậy theo tôi, với quyết tâm của Chính phủ và với nỗ lực chung của toàn ngành, thì mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10% là hoàn toàn khả thi.
Xin cảm ơn bà!