Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, các thương lái không chỉ thu mua ốc bươu vàng mà còn thu mua các loại thủy sinh như: ốc xoắn, các loại giáp xác. Không chỉ Quảng Bình mà một số địa phương khác như Hà Tĩnh cũng có tình trạng trên, các thương lái thường bắt đầu thu mua từ cuối tháng 9 đến hết năm. Riêng Quảng Bình ghi nhận có 5 điểm thu mua ốc bươu vàng với số lượng lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 4 - 5 tấn.
Ông Lê Ngọc Linh cũng khẳng định, qua xác minh, thấy rằng các thương lái sau khi thu mua đều chuyển về các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa làm thức ăn cho tôm hùm, cá ba sa, diêu hồng, với những loại có kích thước lớn thì được chế biến thành thực phẩm. Việc thu gom ốc bươu vàng bán cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản là việc lợi cả đôi đường. Tuy nhiên, đơn vị cũng đã tuyên truyền và khuyến cáo người dân không được nuôi trồng dưới tất cả các hình thức bởi trong sản xuất nông nghiệp ốc bươu vàng là sinh vật ăn tạp và gây hại cho cây lúa.
Cuối năm là thời điểm mùa nước nổi nên ốc bươu vàng sinh sôi phát triển ở đồng ruộng rất nhiều. Mọi năm, đây cũng là thời điểm nhiều người dân phải ra đồng để diệt ốc bươu vàng tránh chúng gây hại cho vụ lúa Đông Xuân.
Anh Nguyễn Văn Thắng, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, thấy có thương lái về thu mua ốc bươu vàng bản thân anh cũng thấy rất lạ vì lâu nay diệt còn không hết nay lại có người thu mua. Vì vậy, anh tranh thủ thời gian ra ruộng bắt ốc bán, vừa sạch ruộng lại có thêm thu nhập. Ốc bươu vàng rất nhiều nên chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ là anh có thể bắt được 10 - 20kg, giá bán dao động từ 2.500-3.000 đồng/kg, mỗi ngày anh kiếm được 300.000 - 400.000 đồng.
Không riêng anh Thắng mà nhiều người dân thuộc các xã Võ Ninh, Vạn Ninh cũng tranh thủ đi bắt ốc nhập cho thương lái kiếm thêm thu nhập. Một số người còn tranh thủ buổi tối vì đây là thời điểm ốc đi kiếm ăn mạnh nhất.
Chị Trần Thị Tuyết, thôn Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, mỗi ngày chị thu mua được 4 - 5 tạ, có ngày nhiều hơn. Giá thu mua cũng không ổn định, dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên đến 4.800 đồng/kg. Lúc đầu chị cũng băn khoăn không biết người ta mua số lượng nhiều như thế để làm gì nhưng sau tìm hiểu mới biết ốc đều được đóng vào xe container chuyển vào các tỉnh như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên để chế biến thành thức ăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Giá thu mua cao hay thấp tùy thuộc vào việc các tàu biển về cập cảng có cá tạp nhiều hay ít.