Để quản lý chặt chẽ, đồng thời ngăn chặn sự phát tán của ốc bươu vàng, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các địa phương, các đơn vị quản lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh ốc bươu vàng, đặc biệt nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn nuôi ốc bươu vàng dưới mọi hình thức.
Theo phản ảnh của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, thời gian đây trên địa bàn xuất hiện tình trạng thu mua, kinh doanh ốc bươu vàng bán cho thương lái ngoài tỉnh rầm rộ. Vì lợi nhuận kinh tế, người dân nông thôn trong tỉnh đua nhau ra đồng ruộng, ao hồ, kênh rạch bắt ốc bươu vàng và lấy thịt bán cho thương lái. Mặc dù biết đây là vật nuôi ngoại lai, gây hại mùa màng, nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt nên nhiều người bất chấp khuyến cáo, tranh nhau sản xuất, kinh doanh gây nhiều khó khăn cho ngành chức năng.
Điều đáng lo lắng hiện nay, đã có nhiều hộ còn thu mua ốc bươu vàng về nuôi, trữ lại chờ đến mùa khô, nghịch mùa bán được giá cao. Trong khi đó, khâu bảo quản, rào lưới, tường rào không chắc chắn, cẩn thận dễ để ốc bò ra ngoài sinh sản. Đây là một trong những nguyên nhân dễ làm ốc bươu vàng phát tán, sinh sản ngoài môi trường nhanh trong thời gian qua.
Ông Ngô Quốc Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang) cho biết, hiện nay ốc bươu vàng có mặt khắp đồng ruộng, kênh rạch trên địa bàn với lượng ốc thu gom cả trăm tấn mỗi ngày. Qua rà soát được biết, toàn tỉnh có 5 cơ sở thu mua ốc bươu vàng lớn, trung bình mỗi ngày một cơ sở thu mua khoảng 4-7 tấn ốc thịt, với giá dao động từ 6.000-17.000 đồng/kg.
Theo chủ các cơ sở thu mua và sơ chế ốc bươu vàng, đầu ốc bươu vàng sau khi sơ chế được bán cho các thương lái người miền Bắc, các thương lái này là “cò”, họ sẽ bán lại cho các thương lái người Trung Quốc. Nhưng khi được hỏi, mọi người đều không biết mục đích các thương lái Trung Quốc thu mua thịt ốc bươu vàng để làm gì.
Huỳnh Sử