Báo Độc lập (Nga) đưa tin các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 7/7 dự kiến bàn thảo về tình hình Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý của quốc gia này.Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 61,31% số người tham gia nói “không” với điều kiện hà khắc của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ tài chính mới. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố Athens sẵn sàng tái khởi động đàm phán với các chủ nợ để các ngân hàng tiếp tục hoạt động trở lại. Ông này cho rằng việc đa số người dân nói “Không” với điều kiện của các chủ nợ không có nghĩa Hy Lạp sẽ rời khỏi Eurozone mà để nâng cao vị thế của nước này trong quá trình đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi.
61,31% cử tri Hy Lạp nói "không" với chính sách khắc khổ. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis quyết định từ chức khi cho rằng một số bộ trưởng tài chính các nước thành viên Eurozone không mong muốn sự có mặt của ông trong đàm phán. Còn tại Kremlin, người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và bày tỏ mong muốn Hy Lạp sẽ sớm đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để tìm ra phương án hợp lý nhằm ổn định tình hình kinh tế, xã hội trong nước.
Hãng tin Interfax dẫn lời các nhà phân tích cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp có thể tác động tới việc bán tháo các tài sản rủi ro. Cụ thể là rủi ro đối với các tài sản của Nga. Chiến lược gia ngân hàng Sberbank (Nga) Vladimir Pantiusin cho biết giá dầu có thể giảm và trở thành yếu tố tiêu cực, kéo theo sự sụt giảm giá trị đồng ruble. Nhà kinh tế học thuộc Tổ chức Tài chính BKS Vladimir Tikhomirov cũng nói rằng việc Hy Lạp nói “không” với điều kiện EU đề ra đã tác động tiêu cực tới thị trường và đồng ruble Nga (có thể khiến đồng ruble hạ xuống mức 58 ruble đổi 1 USD), do Nga có nhiều tài sản rủi ro ở Hy Lạp.
Cũng theo Interfax, kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp cũng làm giảm giá trị đồng euro và cổ phiếu của khu vực EU. Cụ thể, đồng euro đã giảm khoảng 1,5% so với đồng USD, xuống còn 1,1035 USD đổi 1 euro (theo số liệu của Bloomberg). Bên cạnh đó, tạp chí The Financial Times cho rằng các tài khoản ở Hy Lạp có hơn 8.000 euro có thể sẽ bị giảm mất khoảng 30%. Điều này có thể sẽ diễn ra “khi tiến hành tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng nếu Hy Lạp chấp nhận yêu cầu cải cách của các chủ nợ châu Âu”.
Chứng khoán châu Á giảm sau cuộc bỏ phiếu tại Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngược lại, chuyên gia tờ “Báo Nga” Vasily Yakimkin thì cho rằng những ảnh hưởng gây “sốc” đối với nước Nga của kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp đang được cường điệu quá mức và không cần thiết. Kết quả này không ảnh hưởng tới tỷ giá của đồng ruble so với USD và đồng euro, bởi kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 10% nền kinh tế EU. Cũng theo ông Yakimkin, có lẽ đã đến lúc Hy Lạp bắt đầu in đồng tiền riêng của nước mình. Điều này có nghĩa là Hy Lạp đã vi phạm các quy định về tiền tệ và chính trị của Eurozone, đồng nghĩa với việc sẽ ra khỏi liên minh tiền tệ này.
Tạp chí “The New York Times” thì cho rằng Kiev đã có được một bài học từ cuộc xung đột giữa Athens và Brussels. Ukraine không tiến hành các cuộc thương lượng dài hạn với các chủ nợ quốc tế để đề nghị họ hủy bỏ 40% tổng khoản nợ 50 tỷ USD của nước này vì không có ý định trả các khoản nợ vay dưới thời Viktor Yanukovich. Báo Mỹ cũng nhận định rằng Hy Lạp có thể sẽ phải trả giá đắt cho việc chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Tạp chí Đức “Deutsche Welle” viết rằng nếu châu Âu có ý định ổn định tình hình tại Hy Lạp, đồng ý cung cấp cho nước này gói cứu trợ tài chính thứ ba thì cần tiến hành ngay lập tức bởi thực tế Hy Lạp hiện nay được coi như là đã phá sản. Báo Pháp “Slate” thì nhấn mạnh rằng Thủ tướng Tsipras phải đối mặt với sự thật là Hy Lạp đã phá sản, và cho dù có phụ thuộc vào đồng tiền chung châu Âu nữa hay không thì nước này cũng phải chi tiêu tiết kiệm. Tờ báo nhận định Hy Lạp cần có thêm khoản tiền khoảng 50 tỷ euro trong một vài năm tới để ổn định tình hình đất nước.