Nhân tố Hy Lạp hỗ trợ giá vàng, đẩy giá dầu giảm

Giá dầu thế giới sụt giảm gần 8% trong phiên giao dịch ngày 6/7 do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sau khi cử tri Hy Lạp nói “Không” với các đề xuất của chủ nợ quốc tế trong khi giá vàng thế giới vẫn tăng nhẹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg


Bất chấp áp lực từ việc đồng USD mạnh lên, giá vàng vẫn tăng nhờ hoạt động mua vào các tài sản được coi là “kênh trú ẩn an toàn” như vàng gia tăng sau khi đa số cử tri của Hy Lạp bác bỏ đề xuất chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đưa ra để đổi lấy khoản cứu trợ cho nước này.

Tính tới 4 giờ 12 phút sáng ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 0,2%, lên 1.170,01 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 9,7 USD (0,8%), lên 1.173,20 USD/ounce.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 vừa qua đã đẩy Athens vào một tình cảnh chưa từng xảy ra trong lịch sử, đe dọa làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống tài chính của nước này.

Nếu không có cứu trợ khẩn cấp của ECB, các ngân hàng của Hy Lạp có thể cạn tiền chỉ trong vài ngày. Tình hình bế tắc này đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu “đỏ sàn” và giá dầu tại thị trường Mỹ giảm tới gần 8%.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp lại được coi như “cơ hội tốt” đối với vàng, bởi mặt hàng kim loại quý này thường được coi như một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh tình hình kinh tế và tài chính gặp bất ổn.

Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 0,4%, xuống 15,73 USD/ounce, trong khi giá bạch kim hạ 3,4%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009 là 1.043,50 USD/ounce.

Giá dầu thế giới giảm gần 8% do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sau khi cử tri Hy Lạp nói “Không” với các đề xuất của chủ nợ quốc tế cộng với các biện pháp của Trung Quốc nhằm kiềm chế sự bất ổn trên thị trường tài chính và khả năng hiệp định liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran có thể được ký kết.

Đây là ba nguyên nhân chính đẩy giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới trong ngày 6/7 lao dốc mạnh nhất trong vòng sáu tháng qua.

Chốt phiên 6/7 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tám giảm tới 4,43 USD xuống 52,53 USD/thùng, mức mất giá lớn nhất của loại dầu thô này kể từ đầu tháng Hai . Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 3,78 USD xuống 56,54 USD/thùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg.


Carl Larry, nhà tư vấn tại Frost & Sullivan, nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang bị "xói mòn" nhanh chóng do cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp và thị trường tài chính Trung Quốc bất ổn.

Giới phân tích cho rằng những lo ngại về tương lai châu Âu gia tăng sau cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp, đặt ra nghi vấn về vị thế Hy Lạp trong Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Khủng hoảng Hy Lạp cũng khiến đồng USD lên giá, khiến chi phí dầu mỏ tại các quốc gia sử dụng đơn vị tiền tệ khác tăng cao hơn.

Tại Trung Quốc, bất ổn trên các thị trường chứng khoán buộc Bắc Kinh phải ra tay hỗ trợ, một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc có thể tác động tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ vẫn trong tình trạng dư cung khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang xuất khẩu lượng dầu vượt hạn ngạch.

Nhà phân tích Matt Smith tại ClipperData cho biết, hai thành viên của OPEC là Saudi Arabia và Iraq xuất khẩu nhiều hơn khoảng 900.000 thùng dầu/ngày trong tháng 5/2015 so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Khoa, Minh Trang (Theo AFP, Reuters)
Giá vàng, giá dầu thế giới giảm mạnh
Giá vàng, giá dầu thế giới giảm mạnh

Giá vàng thế giới đi xuống trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên và thị trường hy vọng cuộc khủng hoảng Hy Lạp được cứu vãn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN