Trong khi Chính phủ đang yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh thì “Điều này khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả”, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tổng hợp báo cáo ghi nhận số đông cộng đồng doanh nghiệp đều đang kỳ vọng rằng, Nhà nước sớm bãi bỏ, sửa đổi các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2020; đồng thời, bãi bỏ nhiều hơn nữa các quy định đang gây vướng cho doanh nghiệp.
Cụ thể như quy định yêu cầu lắp camera trên xe ô tô vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo; hay dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ đặt ra các yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình và doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định.
Thông tư 60/2021/TT-BTC hướng dẫn quy định về thẩm định giá đưa ra yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá phải tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối. Hoặc về kinh doanh xuất khẩu gạo, các quy định mới lại quay trở lại điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay xát hay chế biến thóc gạo; về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá lại có đề xuất xây dựng Luật Giá sửa đổi theo hướng nâng cao hơn điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp thẩm định giá...
Chưa kể, rất nhiều quy định hiện hành và các đề xuất sửa đổi Luật hay quy định mới về pháp luật kinh doanh đang được lấy ý kiến hoàn thiện đã làm dấy lên lo ngại sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động kéo dài của dịch COVID-19.
Đồng tình với quan điểm của đại diện VCCI, bà Trần Hoàng Yến, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thời gian qua, nhiều nhà máy chế biến thủy sản kêu khó khi gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu Phospho, Nitơ.
Theo bà Trần Hoàng Yến, với những bất cập và hàng loạt quy chuẩn áp đặt quá cao mà doanh nghiệp ngành thủy sản khó đạt được đã ảnh hưởng không chỉ hoạt động sản xuất nội địa mà còn là vấn đề lớn trong xuất khẩu của toàn ngành.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo văn bản mới thay thế quy chuẩn về nước thải công nghiệp và nước thải chế biến thủy sản theo hướng đưa nước thải chế biến thủy sản vào chung quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp.
Song, điều đặc biệt là các chỉ tiêu trong dự thảo này đang ngặt nghèo hơn cũ. Điều này đang thực sự gây ra quan ngại rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam hiện nay, bởi mức độ này vừa không phù hợp với thực tiễn, với đặc thù ngành hàng và đặc biệt không phù hợp với khả năng công nghệ xử lý nước thải hiện hành.
Bà Trần Hoàng Yến cho rằng, để xảy ra vi phạm quy định môi trường là điều vô cùng nhạy cảm đối với ngành chế biến xuất khẩu thủy sản do liên quan đến các cam kết tuân thủ và trách nhiệm môi trường với khách hàng quốc tế - đã được cụ thể hóa trong hợp đồng ký kết và các chứng nhận phát triển bền vững. Bất kỳ có thông tin hoặc dấu hiệu cho thấy nhà máy vi phạm các quy định về môi trường của quốc gia, thì đều sẽ dẫn đến bị cắt hợp đồng và cảnh báo công khai theo cách này hoặc cách khác. Điều này sẽ tác động tiêu cực lớn tới không chỉ phạm vi một doanh nghiệp mà còn là hình ảnh và kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, kéo theo cả sinh kế của hàng triệu nông-ngư dân.
Hay như trong lĩnh vực chứng khoán, bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh chứng khoán (VASB) chia sẻ, các thông tư hướng dẫn trong ngành chứng khoán, do mới được nghiên cứu ban hành nên đã đáp ứng khá sát các điều kiện yêu cầu và thực tế áp dụng.
VASB khảo sát nhanh các công ty chứng khoán và các công ty cho rằng không gặp khó khăn gì đáng kể khi triển khai nghiệp vụ theo hướng dẫn của hệ thống thông tư mới.
Tuy nhiên, do luật mới mở ra các sản phẩm mới và một số quy định mới trong tổ chức và quản lý thị trường, nên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước - Bộ Tài chính cùng các thành viên thị trường vẫn tiếp tục trao đổi, thảo luận về các vấn đề phát sinh như các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết do chưa có nhiều trải nghiệm trên thị trường, các quy định mới như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu, xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp… cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để đạt được mục tiêu khi ban hành quy định nhưng không gây khó khăn cho đối tượng áp dụng.
Ngoài ra, các vấn đề mới theo xu hướng tất yếu của thị trường cũng cần được xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng tránh sự tụt hậu và mất kiểm soát khi các sản phẩm theo nhu cầu thị trường vẫn diễn ra như, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn và đầu tư chứng khoán; hợp đồng giao dịch điện tử, chữ ký số áp dụng trong lĩnh vực chứng khoán hay giải quyết tranh chấp online trong lĩnh vực chứng khoán…, bà Hải Anh nhấn mạnh.
Để không đi ngược với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà trong nhiều năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã và đang không ngừng đẩy mạnh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, cần phải khơi thông các điểm nghẽn về dòng chảy pháp luật kinh doanh và đảm bảo lưu thông cho các hoạt động kinh tế.
Chủ tịch VCCI chỉ ra, một số ngành, lĩnh vực hay thậm chí ở một số ngành, nghề mà trước đây được đánh giá cao về cải cách điều kiện kinh doanh thì hiện nay đề xuất áp dụng lại các điều kiện kinh doanh trước đã xóa bỏ...
Điều này đặt ra bài toán về tính đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế cũng như tính hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh. Trước những thách thức lớn đối với hoạt động xây dựng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, không thể không có những động thái rà soát, nghiên cứu, đánh giá lại tác động cũng như có phản ứng chính sách kịp thời để tránh gây cản trở cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.