Cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ: Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (Nghị quyết số 02) các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tháo gỡ nhiều rào cản, cải thiện môi trường đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng năm 2021 so với năm 2020 đã tụt hạng: chỉ số đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ vị trí 42 xuống vị trí 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ 73,8 điểm xuống 72,8 điểm và từ thứ hạng 49 xuống thứ hạng 51). Đặc biệt, quyền tài sản vừa giảm điểm vừa giảm bậc (từ 5,132 điểm xuống 4,995 điểm và giảm 6 bậc từ vị trí 78 xuống vị trí 84); cảm nhận tham nhũng giảm tới 8 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 104)…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 đang có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cũng cho biết, từ cuối năm 2019, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại. Trên thực tế, nhiều cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi.
Cụ thể, ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất. Mặc dù, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ song việc thực thi còn mang tính hình thức.
Tính đến ngày 28/2, cả nước có 24/26 bộ, cơ quan ban hành Chương trình và Kế hoạch hành động về thực hiện giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh (Kế hoạch hành động); trong đó có 6 bộ, cơ quan ban hành Kế hoạch hành động lồng ghép với thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và hai bộ, cơ quan chưa có thông tin (gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).
Về địa phương, 50/63 tỉnh, thành phố đã gửi Kế hoạch hành động; trong đó, 4 địa phương ban hành Kế hoạch hành động lồng ghép với thực hiện Nghị quyết 01; 2 địa phương có báo cáo nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chưa nhận được kế hoạch cụ thể (Khánh Hòa, Quảng Nam). Còn lại 13 địa phương chưa có thông tin, bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Lai Châu, Long An, Quảng Bình, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Thêm vào đó, hơn 2 năm trở lại đây, do phải ưu tiên cao độ cho phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ sinh mạng người dân, tiến trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã chậm lại. Một số biện pháp chống dịch khá cực đoan áp dụng chỗ này chỗ khác ở những thời điểm nhất định đã “hồi sinh” một số giải pháp kiểm soát doanh nghiệp đã bị bãi bỏ từ lâu hoặc hay bổ sung các điều kiện kinh doanh mới…
Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, Chính phủ tiếp tục ban hành hằng năm Nghị quyết số 02 vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Cần đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi
Từ thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 02, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.
“Dịch COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự đứt gãy nhất định của quá trình và xu thế cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này là yếu tố quan trọng đối với phục hồi, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch”, TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý.
Về giải pháp triển khai Nghị quyết 02, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tập hợp các phản ánh, kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp; phân tích, đánh giá, phân loại để từ đó hình thành các đề xuất kiến nghị trình Thủ tướng, Chính phủ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Thảo cũng chỉ ra, cải cách môi trường kinh doanh 2 năm gần đây có xu hướng chững lại - đây là thách thức lớn, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực cải cách và cần sự đồng hành của nhiều bên.
Để khắc phục, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, Nghị quyết 02 lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 là tiếp tục cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh. Nghị quyết cũng dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật...
Nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng bền vững, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham tại Hà Nội cho rằng, ngày nay, chuyển đổi kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn cho nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp; đồng thời, tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn. Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử, Fintech, Edtech và nền kinh tế sáng tạo.
Để phát huy hết tiềm năng của mình, theo bà Virginia Foote, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với các thông lệ quốc tế vì việc dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa, dịch vụ và dữ liệu ngày nay càng ngày càng tăng với độ bảo mật cao.
"Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm các tiêu chuẩn toàn cầu - Việt Nam hiện có yếu tố rủi ro bị xâm nhập rất cao và việc nâng cấp hệ thống là điều hết sức quan trọng", bà Virginia Foote khuyến cáo.
Phó Chủ tịch AmCham cũng khẳng định, AmCham sẽ tiếp tục đối thoại với các bộ, Chính phủ để đảm bảo các quy định mới khuyến khích các chính sách mở, minh bạch và nhất quán toàn cầu về thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ sở hữu trí tuệ, an ninh mạng - và thương mại tự do, công bằng, đảm bảo nguyên tắc có đi có lại trong các dịch vụ kỹ thuật số phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu cho cả nước ngoài và các công ty trong nước.
Hiện nay, nhu cầu đối với các nguồn năng lượng sạch cho chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày một gia tăng. Việc tiếp cận với năng lượng sạch không chỉ còn là một yếu tố phụ cận mà đã trở thành các yêu cầu thiết yếu từ các trụ sở chính của các công ty đa quốc gia.
"Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải áp dụng những cải tiến, phát minh mới, chẳng hạn như năng lượng hydro, khả năng lưu trữ và các loại năng lượng tái tạo khác. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với khí ga ngoài khơi, mặt trời, gió và thủy điện - và nhân tài trong việc đổi mới. Đây là những tài nguyên cần được tận dụng tối đa và môi trường pháp lý hạn chế hiện nay đã kiềm chế sự phát triển và thành công của năng lượng tái tạo", bà Virginia Foote cho biết.
Cùng với đó, AmCham ủng hộ việc nâng cấp các chương trình đào tạo nghề như là chìa khóa giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng, Phó Chủ tịch AmCham cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam hợp lý hóa các yêu cầu về giấy phép lao động và loại bỏ yêu cầu về giấy phép nhập cảnh cho các chuyên gia, nhằm tiếp tục thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu từ nước ngoài để giúp phát triển nền kinh tế.
"Chúng tôi rất tin tưởng vào tương lai tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, những đổi mới trọng yếu đối với các vấn đề nêu trên sẽ cho phép phục hồi kinh tế một cách vững chắc và bền bỉ; đồng thời, hỗ trợ cho khát vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy đất nước trong lĩnh vực cạnh tranh kinh tế tiếp theo", bà Virginia Foote nhấn mạnh.