Không để ngắt quãng việc khi tinh gọn, Hải quan giải quyết 'thách thức kép'

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết: Ngành Hải quan sẽ chung sức, đồng lòng, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những biến động, khối lượng công việc ngày càng lớn. 

Chú thích ảnh
Với nỗ lực cải cách, tạo thuận lợi của ngành Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 có nhiều khởi sắc. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

“Để sớm kiện toàn tổ chức bộ máy đi vào hoạt động theo mô hình mới, đề nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị tập trung đánh giá tác động về chính sách pháp luật, nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức bộ máy, công tác chính sách cán bộ và tài chính, hậu cần đảm bảo. Từ đó, kiến nghị các biện pháp, giải pháp đồng bộ để bộ máy mới đi vào hoạt động theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính”, ông Nguyễn Văn Thọ chỉ đạo.

Về công tác tổ chức bộ máy, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu xây dựng và tổ chức Hội nghị họp bàn Đề án xây dựng bộ máy tổ chức của Tổng cục Hải quan theo Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan theo hướng tinh gọn, hiệu quả…

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 14/12, toàn Ngành thu được 402.680 tỷ đồng, đạt 107,4% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cục Hải quan dự kiến số thu năm 2024 đạt 418.000 đến 420.000 tỷ đồng, bằng 111,5% - 112% dự toán được giao, tăng 13,4% - 13,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2025, ngành Hải quan sẽ tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành; xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan Hải quan.

“Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách năm 2025; tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan; công tác thanh tra, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách”, lãnh đạo Tổng Cục Hải quan cho biết.

Năm 2024 (kỳ thống kê 16/12/2023 - 15/11/2024), ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 29.273 tỷ đồng (tăng 12,12% về số vụ và tăng 154,09% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ; số tiền thu nộp ngân sách 901,58 tỷ đồng.

Về kiểm tra sau thông quan, toàn ngành Hải quan đã kiểm tra 1.852 cuộc, trong đó có 886 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 966 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan; tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 906,6 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách 584,52 tỷ đồng…

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 mới đây của Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Tài chính, ông Nguyễn Văn Thắng, khẳng định, với vị trí, vai trò "người gác cửa nền kinh tế" hết sức quan trọng, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm an toàn, ổn định nền kinh tế, góp phần vào công tác thu ngân sách cho Quốc gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến khó lường, đứng trước nhiều thách thức, ngành Hải quan cần tập trung giải quyết "thách thức kép": Vừa đơn giản hóa thủ tục, vừa tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm hướng đến "mục tiêu kép" là vừa tạo thuận lợi thương mại ở mức tối đa, vừa bảo đảm an ninh Quốc gia, chống thất thu ở mức cao nhất.

"Tinh thần Trung ương đặt ra là để đảm bảo các công việc vẫn được diễn ra suôn sẻ, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Trong quá trình sắp xếp, không để gián đoạn các hoạt động. Các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng sẽ có những chính sách thỏa đáng. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Ban Chỉ đạo", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Bộ trưởng yêu cầu ngành Hải quan ưu tiên việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, kế hoạch phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 5 năm và hàng năm trong toàn ngành với mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới.

Trong đó, tập trung nhiệm vụ chuyển đổi số, tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan và nhiệm vụ hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

Quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính là triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng giảm thiểu tác động ở mức tối thiểu; duy trì một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có lộ trình sao cho vừa tinh giảm, vừa sắp xếp không tác động quá lớn.

"Ngành Hải quan tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hải quan phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý; chủ động nắm bắt vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc", Bộ  trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Huy Cường/Báo Tin tức
Khoảng 1.000 câu hỏi của doanh nghiệp đã được ngành Hải quan giải đáp
Khoảng 1.000 câu hỏi của doanh nghiệp đã được ngành Hải quan giải đáp

Năm 2024, cơ quan Hải quan các cấp đã thực hiện hơn 154 cuộc đối thoại và trả lời khoảng 1.000 câu hỏi vướng mắc, với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN