Đây là kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch PTC của Việt Nam, với sự điều hành của bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO.
Sự kiện quy tụ trên 300 đại biểu từ các cơ quan hải quan thành viên WCO, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các cơ quan nghiên cứu quốc tế và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế và khẳng định vị thế ngày càng cao của Hải quan Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong phiên họp lần này, các thành viên đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề trọng điểm trong chương trình hoạt động của PTC giai đoạn 2022-2025, gồm cải cách thủ tục hải quan, thúc đẩy thương mại điện tử, và bảo đảm tính liền mạch của chuỗi cung ứng. Đặc biệt, kỳ họp đã tập trung vào các chủ đề như Hải quan thông minh, kết nối cơ chế một cửa, sáng kiến Hải quan xanh, và tăng cường vai trò của hải quan trong cứu trợ thiên tai. Chủ đề năm 2024 của WCO “Hải quan chủ động tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống và đối tác mới” càng làm nổi bật sự cam kết hợp tác sâu rộng của các bên tham gia trong khu vực và trên toàn thế giới.
Trong khuôn khổ phiên họp, đại diện Hải quan Việt Nam đã tham gia tích cực, chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ các sáng kiến của mình. Ông Hoàng Đình Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Hải quan, chia sẻ về thành công trong việc triển khai các cam kết trong Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (TFA WTO), bao gồm quan hệ đối tác hải quan - cơ quan liên quan trong Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia, một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng đóng góp nhiều ý kiến giá trị, chia sẻ thực tiễn về đo lường thời gian giải phóng hàng (TRS), xem xét thuật ngữ hải quan, và vai trò của hải quan trong cứu trợ thiên tai.
Các thành viên PTC đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam, khuyến khích việc tích cực chia sẻ thông tin giữa các thành viên để tối ưu hóa các cam kết hợp tác và phát triển bền vững.
Kết thúc phiên họp, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài, Chủ tịch PTC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì kết nối và hợp tác giữa các cơ quan hải quan, dựa trên công nghệ số và hệ sinh thái dữ liệu nhằm tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Bà cũng khẳng định tầm nhìn của WCO và các quốc gia thành viên về việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững thông qua hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh và khả năng ứng phó linh hoạt với các thách thức toàn cầu.
Trong tương lai, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các hệ thống thông tin hải quan hiện đại, nhằm góp phần vào việc tạo dựng một môi trường thương mại toàn cầu minh bạch, hiệu quả và bền vững.