Theo phân tích từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, từ đầu tháng 3/2024, giá bông đang từ 80 - 85 cent/lb đã tăng vọt lên trên 100 cent/lb. Sau đó giá bông lại giảm mạnh xuống mức 70 cent/lb và hiện giao dịch quanh mức này. Giá bông giảm đã kéo theo giá sợi giảm.
Theo ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, có thời điểm giá bông tăng trong khi giá sợi lại chưa tăng, nhưng khi giá bông xuống thì giá sợi xuống theo ngay tức khắc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường nhập khẩu bông và sau từ 3 - 4 tháng mới đưa vào sản xuất. Vì vậy, giá đầu sợi giảm nhưng giá nguyên liệu là bông lại cao khiến các doanh nghiệp ngành sợi gặp khó.
Ông Phạm Văn Tuyên – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 nhận định: Thị trường sợi có thể tiếp tục khó khăn đến hết năm do tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột, lạm phát và giá nguyên liệu bông neo ở mức cao dẫn đến sợi bán ra bị lỗ.
Nhập khẩu bông từ đầu năm đến này của Việt Nam đạt trên 0,74 triệu tấn với đơn giá trung bình 2 USD/kg, tăng 18% về lượng nhưng giảm 10% về giá so với cùng kỳ năm 2023. Đối với sợi, sản lượng xuất khẩu đạt 0,9 triệu tấn, tăng 7% nhưng giá lại giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, để giảm áp lực đầu vào nhập khẩu bông giá cao, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi tái chế vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp ngành sợi cho biết, do lỗ sâu, khó khăn tài chính kéo dài dẫn đến sợi Việt Nam vẫn bị ép giá và chấp nhận bán sợi dưới giá thành. Theo đại diện Công ty cổ phần Dệt May Huế, thị trường sợi năm 2024 vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, phụ thuộc rất lớn vào tình hình giá nguyên liệu đầu vào và đang chịu tác động mạnh từ các nhà đầu cơ.
Những khó khăn của ngành sợi ngoài yếu tố thị trường, lạm phát…, lãi suất ngân hàng vẫn giữ ở mức cao dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn cho sản xuất cũng là thách thức lớn.
Ngành sợi hiện nay có 10 triệu cọc sợi. Giá trị tài sản đầu tư mới khoảng 6 tỷ USD, giá trị còn lại khoảng 3 tỷ USD và hiện nay mỗi năm đang trả nợ ngân hàng khoảng 300 triệu USD.
Theo dự báo, thị trường, bông sợi nửa cuối năm 2024 còn nhiều thách thức đang chờ doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng khi lương tối thiểu vùng đã tăng từ ngày 1/7, tạo ra áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc quản trị chi phí, duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đón chờ đơn hàng mới.
Khó khăn của ngành sợi hiện nay cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp rất cần được tiếp tục hỗ trợ để vượt qua. Do đó, các doanh nghiệp ngành sợi kiến nghị, ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì được sản xuất.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng thông tin, cuối tháng 6/2024, thông tin về việc diện tích gieo trồng bông mùa vụ mới ở Mỹ dự kiến tăng lên 14%, khiến giá bông quốc tế lại tụt dốc khi thị trường đang chật vật leo về mức giá 75 cent/lb. Trên thị trường mua bán, dự kiến nguồn cung bông vụ mới dồi dào trong khi cầu chưa khởi sắc nên tạm thời sẽ không có “cú hích” nào cho giá bông, vì vậy giá sợi cũng chưa thể khởi sắc.
Các chuyên gia khuyến cáo, sang quý III doanh nghiệp sợi cần bám sát thị trường, cân đối nhu cầu để mua phục vụ cho sản xuất, tránh mua xa trong điều kiện thị trường nhiều bất định như hiện nay. Cùng với đó, doanh nghiệp sợi Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt về quản trị sản xuất và thị trường, lựa chọn được mặt hàng, khách hàng, đơn hàng tối ưu hiệu quả.