Khó bố trí đất chôn lợn bệnh

Cũng như nhiều nơi trên cả nước, xã Đại Yên, Chương Mỹ (Hà Nội) đang căng mình chống chọi với dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, vấn đề nan giải là tìm quỹ đất để chôn và tiêu hủy lợn chết vì dịch bệnh.

“Lập chốt” từ cổng

Biết có khách tới nhưng ông Lương Văn Thu, xóm Dẫy, xã Đại Yên không mở cửa mà đứng từ trong nhà giãi bày. Nhà ông có đàn lợn 15 con, nay các hộ chăn nuôi lợn gần nhà đều có phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình rất lo lắng, bàn nhau biện pháp tự phòng, tự chống dịch. Suốt 10 ngày nay, gia đình bác không cho người lạ vào nhà, khu vực chuồng trại thì rắc vôi bột khử trùng, người trong nhà cũng chỉ sắp xếp duy nhất một người được vào chuồng, cho lợn ăn... “Cách ly mọi nguy cơ nhiễm bệnh trở thành biện pháp hữu hiệu nhất vào lúc này”, ông Lương Văn Thu phân trần.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy đàn lợn 22 con nhà ông Tô Văn Mãn. Ảnh: LS

Cách nhà ông Thu không xa là gia đình ông Tô Văn Mãn, Yên Khê (Đại Yên). Ông Mãn vẫn còn thất thần khi chia sẻ về đàn lợn 22 con chết. “Có chăn nuôi mới hiểu nỗi lòng của người dân như chúng tôi. Trong đàn có 2 con lợn nái nặng tới 3 tạ, một con sắp đẻ thì nhiễm bệnh chết. Hôm đưa lợn đi chôn, người ta phải huy động 4 người dùng dây kéo mới đưa được 2 con lợn nái đi.”

Theo ông Mãn, giờ ông còn lo ngay ngáy vì món nợ ngân hàng vay để chăn nuôi. “Người ta chăn nuôi thì ra mà sao tôi chăn nuôi thì vướng dịch, thì thất bát như thế...” - người nông dân rớt nước mắt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đối mặt loại bệnh nguy hiểm như này. Mặc dù Việt Nam chỉ đạo phòng chống dịch rất sớm, từ tháng 8/2018, khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng bệnh vẫn lây lan và vào ngày 1/2, dịch bắt đầu ở địa phương đầu tiên là Hưng Yên.

Chú thích ảnh
Thiệt hại nặng nề cả với những con lợn nái sắp đẻ mắc bệnh chết. Ảnh: LS

Đến nay, dịch đã lây lan ở 46 tỉnh, thành phố. Số lượng lợn tiêu hủy đến nay khoảng 2 triệu con, chiếm 7,5% tổng đàn lợn toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại. Không chỉ những hộ nhỏ lẻ, đến nay, cả những hộ chăn nuôi lớn cũng bị ảnh hưởng. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhấn mạnh, "tình hình cực kỳ phức tạp".

Nan giải khi lợn chết nhiều

Chưa đầy 2 tháng sau khi công bố hết dịch, ngày 20/5, phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) - ổ bệnh đầu tiên ở Hà Nội - bất ngờ tái phát dịch bệnh tả lợn châu Phi. Rõ ràng, dịch bệnh này nguy hiểm và khó kiểm soát hơn rất nhiều so với dự báo.

Bà Lê Thị Bích Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) cho biết, phường có 50 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn lợn là 600 con. Phường cũng bố trí quỹ đất xa khu dân cư để làm nơi chôn lấp lợn bệnh. Khó khăn bây giờ theo đại diện phường Ngọc Thụy là việc lập các chốt kiểm dịch sẽ rất khó khăn ở một địa phương thuộc khu vực ráp ranh, với nhiều đường liên thôn, liên xã phường.

Chú thích ảnh
Trang trại lợn hàng trăm con ở xã Nam Điền, Chương Mỹ (Hà Nội) trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ảnh: LS

Ghi nhận tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Số lượng lợn nhiễm bệnh không ngừng gia tăng cũng đang gây áp lực lớn trong việc tìm kiếm quỹ đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh. Theo ông Hoàng Văn Thám, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, hiện số lợn ốm chết vẫn rải rác ở các xã và địa phương khó khăn về điều kiện thuê máy móc, nhân lực để thực hiện tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chính quyền địa phương cũng thừa nhận việc người dân tự vận chuyển lợn ốm, chết ra bãi tiêu hủy bởi hiện nay xã khó khăn huy động lực lượng vận chuyển lợn mắc bệnh ra khu vực tiêu hủy.

“Trong giai đoạn này thì vẫn có thể công tác chôn lấp lợn bệnh vẫn có thể xử lý được. Nhưng dịch bệnh cứ bùng phát theo đà này, chúng tôi lo ngại nhiều địa phương rất khó để bố trí đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh. Với đặc điểm là có tới quá nửa số hộ là những hộ chăn nuôi trong khu dân cư, khu vực gần đường quốc lộ, thì đây là điều rất khó khăn trong công tác tiêu hủy lợn bệnh” - ông Hoàng Văn Thám chia sẻ.

Việc khó bố trí mặt bằng chôn lợn bệnh cũng là vấn đề “đau đầu” của nhiều xã ở Chương Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ xử lý tiêu hủy lợn tại các ổ dịch. Thực tế đã bộc lộ những bất cập nhất định trong xử lý tiêu huỷ xác động vật mắc dịch chết hàng loạt. Phần quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã, phường, thị trấn đều không có quy định nào cắt phần đất dành cho tiêu huỷ, chôn lấp xác động vật chết. Vì thế, lợn nhà ai chết thì chôn tại vườn nhà ấy dưới sự giám sát của ngành chức năng và buộc phải chôn lấp đảm bảo theo các quy định của pháp luật, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Ông Tô Quang Ninh, Trưởng ban Chăn nuôi xã Đại Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, sau khi xuất hiện dịch, xã đã thực hiện tiêu hủy lợn ốm, chết. Cụ thể là đào hố bằng máy xúc, rắc vôi bột xuống và cho lợn ốm, chết xuống rồi rải thêm một lớp vôi bột, lấp đất, phun hóa chất, rắc vôi trên bề mặt đất. Xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi dịch mới bùng phát, xã phối hợp với các hộ đưa lợn ra khu vực chôn lấp để hạn chế lây lan dịch. Tuy nhiên, đến khi xã có dịch thì việc thu gom, chôn lấp càng khó khăn. UBND xã phải phối hợp các hộ đưa lợn bệnh chôn hoặc thuê đội chuyên thu gom lợn bệnh để chôn tại khu vực bãi rác của xã. Kinh phí do xã và các hộ gia đình tự ứng trước.

Cũng theo ông Ninh, nguyên tắc tiêu hủy lợn dịch tả châu Phi là địa điểm tiêu hủy phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để hạn chế việc vận chuyển xác lợn đi xa khiến virus phát tán.

“Ổ dịch thôn nào thì chôn lấp tại đất của thôn ấy, người dân cũng không cho vận chuyển qua lại, ra các thôn ngoài nên tạm thời xã phải tận dụng các nguồn đất công dùng để chôn lợn”- ông Tô Quang Ninh chia sẻ.

Ông Tô Quang Ninh trăn trở: Đất chật, người đông, không thể đem xác lợn chết ra bãi tha ma để chôn gần người chết vì lý do tâm linh. Quỹ đất công thì cơ bản đã hết, khi quy hoạch nông thôn mới xã, huyện cũng không tính đến phần đất dành cho xử lý hậu quả của thiên tai dịch hoạ nên gặp nhiều khó khăn.

“Việc tiêu hủy lợn thực hiện chưa đúng quy định, ảnh hưởng lớn tới vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh, khó kiểm soát dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
 

Lê Sơn/Báo Tin tức
Sớm có chính sách khuyến khích thu mua lợn sạch để tiêu thụ và cấp trữ đông 
Sớm có chính sách khuyến khích thu mua lợn sạch để tiêu thụ và cấp trữ đông 

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều 31/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ sớm đề xuất với các cấp thẩm quyền để ban hành chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua thực phẩm, nhất là thịt lợn cấp đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN