Cấp đông ngay khi nguồn lợn sạch còn phong phú
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cập nhật đến 30/5, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 44 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ là hơn 2 triệu con, chiếm gần 7,5% tổng đàn lợn của cả nước.
Đặc biệt, DTLCP đã xuất hiện tại một số tỉnh khu vực phía Nam - khu vực có rất nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Theo nhận định thì dịch sẽ lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh và thành phố. Ngay cả những trang trại, cơ sở lớn, quy mô hiện đại cũng khó tránh khỏi nếu không có giải pháp phòng ngừa tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay, thịt lợn chiếm khoảng 70% trên tổng số các loại thực phẩm cung cấp trên thị trường. Nếu số lượng lợn bị tiêu huỷ tiếp tục tăng, trong khi chưa thể tái đàn ngay được thì chắc chắn nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trong thời gian tới.
Một giải pháp được cho là hữu hiệu trong việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn sạch là hỗ trợ cho các doanh nghiệp có kho lạnh tổ chức thu mua và giết mổ rồi trữ đông, nhằm bình ổn giá sau này. Những tháng sau, khi hết nguồn cung thịt lợn, thì sẽ cấp lại cho thị trường.
Tháo gỡ những nút thắt
Giải pháp cấp đông thịt lợn sạch là cách mà Đồng Nai, một trong những thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, đề nghị các doanh nghiệp chế biến phối hợp cùng địa phương này triển khai ngay sau khi phát hiện dịch. Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, việc giết mổ, cấp đông thịt lợn sẽ giúp giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc lợn thu mua phải đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp sản xuất thịt lợn sạch bàn về giải pháp cấp đông trữ thịt lợn cho những tháng tới được tổ chức vào ngày 30/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định việc kiểm tra thịt lợn sạch không khó, có thể sử dụng phương pháp test nhanh.
Hướng dẫn mới nhất về các biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh DTLCP của Bộ NN&PTNT chỉ rõ: Chủ cơ sở chăn nuôi, thu gom, kinh doanh phải báo cho cơ quan thú y địa phương tổ chức giám sát và lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh DTLCP trước khi vận chuyển lợn tới cơ sở giết mổ.
Tuy nhiên, để đảm bảo thu mua hiệu quả, các doanh nghiệp tham gia cấp đông thịt lợn phải là doanh nghiệp có kho cấp đông lớn và có nhiệt độ âm sâu. Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về chi phí thuê kho cấp đông, lên đến 20.000 - 22.000 đồng/tấn/ngày.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo các điều kiện kiểm tra lợn sạch trước khi đưa vào giết mổ. Đây cũng là khó khăn ở nhiều địa phương khi triển khai phương pháp này trên diện rộng. Ở thời điểm hiện tại, một mẫu xét nghiệm có giá khoảng từ 500.000 đồng đến 1,1 triệu đồng sẽ do chủ cơ sở chăn nuôi lợn, chủ cơ sở có sản phẩm từ lợn chi trả chi phí lấy mẫu, gửi mẫu và xét nghiệm theo quy định.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn, như chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông, 50% lãi suất ngân hàng, 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông. Đây là một trong những cơ chế nổi bật được đề xuất nhằm giải quyết ngay vấn đề tạm trữ thịt lợn sạch cho giai đoạn tiêu thụ cao điểm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trên thực tế, việc thu mua tạm trữ, cấp đông thịt lợn đã từng được đề cập và triển khai trong đợt “giải cứu” thịt lợn năm 2017 nhằm bình ổn, tăng cầu tiêu thụ.
Theo đó, cũng đã có một số doanh nghiệp vào cuộc, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp lẫn số lượng thu mua tạm trữ còn rất hạn chế, hiệu quả theo đánh giá chưa thực sự như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ. Vì vậy, doanh nghiệp mua tạm trữ chịu nhiều thiệt thòi về chi phí do giá mua vào cao; chi phí tiền điện cấp đông; hao hụt trong quá trình cấp đông (khoảng 5%) khiến giá bán phải đội lên...