Chính vì vậy, để thay đổi tư duy và thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch giới thiệu sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng, nhất là hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10/2017.
Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng từng bước thay đổi thói quen, tập quán từ sử dụng thịt tươi sống sang thịt mát, thịt cấp đông. Bởi, thịt mát, thịt cấp đông là thịt được bảo quản để làm giảm độ PH chứ không làm thay đổi kết cấu thịt. Có nghĩa là thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ được đưa vào làm mát ở nhiệt độ 0 - 4 độ C rồi pha lóc, cấp đông bảo quản mới là thịt tươi, giữ được chất dinh dưỡng và đặc tính của thịt. Trái lại, thịt sau giết mổ nếu không được bảo quản đúng cách sẽ bị vi sinh vật xâm nhập và phân hủy, làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt.
Do vậy, khi người ta giết mổ gia súc gia cầm ở nơi không đảm bảo vệ sinh, không đúng quy trình giết mổ thì thịt đó đã bị nhiễm vi sinh vật làm thịt thay đổi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà mắt thường ta không thể phân biệt được. Lâu nay, người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thịt tươi "nóng" được bày bán tại quầy hàng ở các chợ truyền thống mà không biết rằng thịt đó thực sự có an toàn hay không.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, thịt lợn được bán trong các chợ Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh, Hàn Thuyên, chợ Hôm Đức Viên… đều có dấu xanh kiểm dịch nhưng khá nhòe. Chị Thu Hương, phố Hàng Chuối, quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết, dù có dấu xanh kiểm dịch được đóng trên thịt lợn nhưng ngay cả khi mua đúng vào miếng thịt có dấu, có căng mắt ra tôi cũng không đọc được chính xác dòng chữ đó là gì. Nhìn con dấu kiểm dịch nhòe nhoẹt và mất nét chẳng khác gì dấu triện củ khoai.
Bà Kim Thoa ở phố Lò Đúc, Hà Nội cũng hoàn toàn tự tin vào khả năng chọn thịt của mình khi căn cứ vào màu thịt, độ dầy của mỡ và độ dẻo, đàn hồi của thịt. Theo bà Thoa, phải sấn thử vào tảng thịt to, nếu sâu bên trong thấy có máu và thịt lại bầm thì đó là lợn có vấn đề. Với suy nghĩ của tôi thì nếu cán bộ đi kiểm tra mà chỉ nhìn bằng mắt thì không thể chuẩn xác bằng các bà nội trợ.
Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người Việt cũng khiến chúng ta mua những sản phẩm thịt không đảm bảo an toàn cho sức khỏe và giúp các gian thương có cơ hội lưu thông các sản phẩm thịt không đảm bảo chất lượng, thu lợi bất chính.
Ở các nước, một số loại thực phẩm vì lí do sức khỏe mà người dân không dùng hoặc ít dùng thì giá rất rẻ, còn các loại thực phẩm được sử dụng thì giá rất cao. Đó là một trong số những nguyên nhân khiến giá thực phẩm nước ngoài nhập vào Việt Nam có giá rẻ hơn. Ví dụ như cánh gà, đùi gà, phủ tạng… là những thứ mà người Việt ăn nhưng người nước ngoài không ăn vì có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, các sản phẩm nước ngoài nhập về Việt Nam còn chưa theo chuỗi, nhà sản xuất của các nước không phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm cuối cùng. Vì thế, khi đến tay người tiêu dùng Việt Nam mà thông qua các doanh nghiệp thương mại có thể sẵn sàng vì mục tiêu lợi nhuận mà đem đến người tiêu dùng các sản phẩm kém chất lượng.
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, thịt cấp đông đúng quy trình sẽ đảm bảo nhất còn thịt nóng, thịt tươi không đảm bảo bằng vì trong thân thịt có các vi sinh vật có thể thăng trưởng gấp 20 lần trong 1 tiếng ở 20 độ C cho nên tốt nhất phải hướng sang thịt mát, thịt đông. Tuy nhiên, thịt được bày bán tại các chợ truyền thống thì rất khó kiểm soát và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được.
Nhằm góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng thịt, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm lựa chọn tháng 1/2017 là tháng giới thiệu sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông tới người tiêu dùng Thủ đô.
Trong quá trình triển khai đã có 8 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm đăng ký tham gia giới thiệu thịt mát, thịt cấp đông như: Chuỗi thịt lợn Bảo Châu, chuỗi thịt lợn sinh học Xuka, chuỗi thịt gà Lan Vinh, chuỗi thịt lợn Vinh Anh… Qua đánh giá tổng kết mới đây, sản lượng thịt mát, thịt cấp đông tiêu thụ trong tháng 1/2017 của 8 chuỗi trên đạt 9,4 tấn thịt lợn/ngày, 7 tấn thịt gà/ngày.
Ông Tạ Văn Tường mong muốn: Thông qua hoạt động này, người tiêu dùng đã thay đổi cách nhìn đúng về chất lượng thịt mát, thịt cấp đông. Hơn nữa, hình thức này giúp cho các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ổn định được đầu ra cho sản phẩm dù giai đoạn vừa qua ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian tới, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình giới thiệu thịt mát, thịt cấp đông tới người tiêu dùng Thủ đô cũng như tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất thịt mát, thịt cấp đông đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.