Như vậy, theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 30/5, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 46 tỉnh, thành trên cả nước, số lợn bị nhiễm bệnh và tiêu hủy khoảng 1,85 triệu con.
Chiều 30/5, ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại thôn 11, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột.
Ngày 28/5, đàn lợn của gia đình ông Lê Văn Bán, thôn 11, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột có dấu hiệu bỏ ăn, nôn... Nhận được thông báo, Chi cục Chăn nuôi Thú y Đắk Lắk đã cử cán bộ xuống gia đình lấy mẫu bệnh phẩm gửi kiểm nghiệm tại Cục Thú y vùng V và VI. Kết quả, các mẫu bệnh phẩm trên xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Ngay chiều 30/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng đã xuống địa phương chỉ đạo dập dịch. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn 33 con của gia đình ông Lê Văn Bán.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cũng xuất cấp cho xã Hòa Phú 36 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột thực hiện các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng, khu vực chăn nuôi, môi trường. Đồng thời, cắt cử các bộ tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột; triển khai các giải pháp quyết liệt khoanh vùng, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan trên diện rộng.
Như vậy, sau Gia Lai và Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk là địa phương thứ 3 ở Tây Nguyên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Trong khi đó, Cà Mau cũng được xác nhận xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn. Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi xuất hiện hai đàn lợn chết bất thường xảy ra ở huyện Phú Tân và Ngọc Hiển, chiều 30/5, Chi cục Thú y Vùng VII đã xác định hai mẫu bệnh phẩm đều dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, ngày 27/5, hộ ông Triệu Quang Phúc (ấp Đường Kéo, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) có 6 con lợn, có một con bị bệnh và đã chết. Ngày 28/5, đàn lợn nuôi tại hộ ông Nguyễn Hoàng Trung (ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) có 19 con; trong đó 2 con chết bất thường. Các lực lượng lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời, tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cho các Trạm Chăn nuôi và Thú y giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; điều tra tổng đàn xung quanh ổ dịch và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, các lực lượng tỉnh, huyện và xã đang tích cực thực hiện các biện pháp dập dịch tại chỗ, tổ chức kiểm soát chặt trên mọi ngả đường, hạn chế di chuyển ra vào vùng dịch.
Ông Nguyễn Thành Huy cho biết thêm, những ngày qua, do lo ngại trước tình trạng dịch đang lây lan nhanh chóng các tỉnh, thành trong vùng, tỉnh Cà Mau đã chủ động lập 32 trạm, chốt kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào tỉnh.
Theo ông Huy, hiện tỉnh Cà Mau có khoảng 75.000 con lợn, không đủ cung cấp cho người tiêu dùng nên phải nhập thêm khoảng 60%. Toàn tỉnh chỉ có 10 trang trại, còn lại là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa nên phải thực hiện các giải pháp an toàn sinh học là chính, trong khi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thực hiện an toàn sinh học rất khó.