Bến Tre cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Chiều 28/5, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre khẳng định, trên địa bàn vẫn chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện xe từ các tỉnh vào Bến Tre để mua lợn rất nhiều nên nguy cơ mầm bệnh theo vào rất cao.

Ngoài ra, Bến Tre nhập lợn con từ các tỉnh miền Đông, nhất là Đồng Nai về nuôi gần 20.000 con/tháng và một lượng lớn lợn từ các tỉnh miền Đông đi ngang qua để về các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long,... khiến nguy cơ bệnh dịch xâm nhiễm cao nếu không thực hiện tốt giải pháp phòng, chống. Mặt khác, hiện đang là thời điểm giao mùa (bắt đầu vào mùa mưa), các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy, đường bộ đan xen nên rất khó kiểm soát; mầm bệnh dễ phát tán và lây lan vào tỉnh.

Việc kiểm soát dịch tuyến đường thủy rất khó, nhất là 12 bến phà giáp tỉnh Vĩnh Long - nơi đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Từ ngày 8/3 đến nay, Bến Tre đã lập 8 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật trên cạn tại các cửa ngõ vào tỉnh. Các chốt này hoạt động 24/24 để kiểm tra và vệ sinh tiêu độc khử trùng 100% phương tiện vận chuyển động vật trên cạn nhập tỉnh, kiểm tra hồ sơ giấy tờ. 

Trước diễn biến phức tạp, Bến Tre thống nhất chủ trương tạm ngưng nhập lợn từ vùng dịch về phục vụ chăn nuôi. Trường hợp lợn được phép nhập về tỉnh để giết mổ theo quy định thì phải từ cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh (có giây chứng nhận) và được xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp nhập lợn từ tỉnh có bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc xe vận chuyển ngang qua vùng dịch khi về đến Bến Tre phải được tiêu độc, khử trùng theo quy định; cách ly 7 ngày...

Bến Tre có tổng đàn lợn gần 537.000 con với trên 21.000 hộ nuôi nhưng quy mô chủ yếu nhỏ lẻ. Số hộ chăn nuôi từ 100 con trở lên chiếm khoảng 30%. Mặc dù đến thời điểm này, Bến Tre chưa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi nhưng giá lợn trên địa bàn đang giảm xuống mức thấp, từ 28.000 đồng – 33.000 đồng/kg hơi. 

Đáng chú ý, trên địa bàn xuất hiện một số thông tin sai về dịch tả lợn châu Phi gây hoang mang cho người chăn nuôi. Vì vậy, ngành chăn nuôi tỉnh khuyến cáo người dân không nên để thương lái ép giá; không nên quay lưng với thịt lợn. Cùng đó, các xã, huyện cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền “5 không” đến từng hộ dân: không giấu dịch; không vận chuyển lợn, thịt lợn nghi mắc bệnh; không giết mổ lợn mắc bệnh; không vứt xác lợn bị bệnh ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ, điểm trung chuyển lợn nhằm phát hiện sớm ca bệnh khi mới phát sinh. Khi có dịch bệnh xảy ra phải báo cáo ngành thú y tổ chức sớm lấy mẫu xác định bệnh, đặc biệt, lưu ý địa bàn giáp tỉnh Vĩnh Long, vùng có nguy cơ cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, các xã cần xây dựng kịch bản cụ thể ứng phó, xử lý ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi để không bị động khi xảy ra dịch; chuẩn bị đầy đủ các phương án khi dịch tả xảy ra dạng nhỏ lẻ hay khi dịch xảy ra trên diện rộng. Trong các phương án phải nêu cụ thể: chuẩn bị nguồn nhân lực cho xử lý ổ dịch (phân công cụ thể lực lượng xác minh dịch bệnh; lực lượng tiêu hủy; lực lượng mua vôi, vật tư; lực lượng tiêu độc;…); các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác xử lý ổ dịch: phương tiện vận chuyển lợn, đào hố…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cần giảm đàn lợn, trong thời điểm này không nên nhập lợn mới về nuôi dễ xảy ra dịch bệnh. 

Các địa phương rà soát, thống kê đàn lợn lập danh sách chi tiết, đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi lợn đến tận hộ gia đình gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm nhất ngày 31/5. Lãnh đạo các xã, trạm thú y quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ, không để các điểm giết mổ lậu sai vi phạm, đưa thịt lợn tiêu thụ ra ngoài,…

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chuẩn bị đầy đủ và sẵn các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch, lấy mẫu, chẩn đoán bệnh và một số dụng cụ, vật tư, hóa chất chống dịch; kiểm soát thủ tục hồ sơ, giấy tờ các xe vận chuyển lợn đi vào địa phận tỉnh Bến Tre; tăng cường lực lượng, thời gian trực các chốt, kiểm soát chặt chẽ lợn quá cảnh đi ngang qua tỉnh... không để dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Lập cũng thông tin hiện nay, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ giá lợn cho người dân nếu xảy ra dịch là 38.000 đồng/kg, nhưng người chăn nuôi phải kê khai đúng sự thật. 

Tính đến chiều 28/5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là: Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Sóc Trăng.

Trần Thị Thu Hiền  (TTXVN)
Sóc Trăng xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi
Sóc Trăng xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi

Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Sóc Trăng, qua kiểm nghiệm mẫu huyết thanh lợn, đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên đàn lợn của chủ hộ Lâm Thị Thu Sang, ấp Khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên với tổng đàn 55 con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN