Theo bà Trần Thị Huệ, KBNN đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để hướng đến mục tiêu sớm hình thành Kho bạc "3 không” bao gồm: Không khách hàng giao dịch trực tiếp, không tiền mặt và không có chứng từ giấy.
“Để đạt được mục tiêu về không có khách hàng giao dịch trực tiếp tại trụ sở, KBNN đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến, gửi hồ sơ điện tử từ xa để KBNN kiểm soát tự động, chuyển sang thanh toán tự động… Việc này rất thuận tiện cho khách hàng giao dịch, giúp khách hàng không phải đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian và góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Không chỉ vậy, việc kiểm soát thời gian thanh toán qua hệ thống rất chặt chẽ, các đơn vị gửi hồ sơ chứng từ ở thời điểm nào đều được ghi lại tự động trên hệ thống, do vậy cán bộ KBNN không thể trì hoãn thời gian thanh toán”, bà Trần Thị Huệ cho biết.
Đề cập về giao dịch không tiền mặt tại trụ sở KBNN, Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết: Hiện đơn vị đã ủy nhiệm thu ngân sách qua hệ thống ngân hàng thương mại. Việc chi ngân sách tại trụ sở KBCNN hiện chỉ dưới 1% là thanh toán tiền mặt, còn lại tới 99% là không dùng tiền mặt. Hệ thống KBNN đang phấn đấu thực hiện nốt mục tiêu không chứng từ giấy, kỳ vọng thời gian tới sẽ sớm hoàn thành mục tiêu này.
“Việc KBNN thực hiện mục tiêu không có khách hàng trực tiếp, không tiền mặt là rất thuận lợi, giúp khách hàng ở đâu cũng làm được do sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiện ích từ ngân hàng. Ngoài ra, KBNN cũng đang triển khai nhiều chương trình tiện ích trong thanh toán đối với các đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước như thanh toán hộ tiền dịch vụ… Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu không chứng từ giấy, công việc này đòi hỏi sự đồng bộ của các đơn vị sử dụng ngân sách như không ký hợp đồng giấy, sử dụng chữ ký số.. ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, KBNN và các đơn vị khác đạt được mục tiêu “3 không”, quá trình cấp phát, chi trả ngân sách Nhà nước (NSNN), trong đó có giải ngân vốn đầu tư công được thuận lợi hơn rất nhiều. Trách nhiệm của cán bộ KBNN cũng được ghi nhận qua hệ thống, công khai minh bạch, giúp việc thực hiện các thủ tục hành chính đúng quy định”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định.
Mới đây, KBNN đã đặt mục tiêu lộ trình phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn giao dịch tiền mặt, không khách hàng trực tiếp và không chứng từ giấy... Theo đó, hệ thống KBNN sẽ nâng cấp các hệ thống thanh toán; áp dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới trong thu, chi qua KBNN nhằm phát triển Kho bạc số theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia, sớm hình thành Kho bạc "3 không” là: Không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng đến giao dịch và không chứng từ giấy.
Trong lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2025 sẽ đặt ra các mục tiêu nằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN, hình thành thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách, người nộp NSNN, các tổ chức và cá nhân khác có giao dịch với KBNN ở khu vực đô thị trong việc thanh toán nói chung và thu, chi NSNN nói riêng bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
“Đặc biệt đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong hệ thống KBNN góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố”, đại diện KBNN cho biết.
Tuy nhiên để thực hiện tốt mục tiêu này, KBNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông: hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN để các ngân hàng thương mại có thể truy cập vào cổng trao đổi dữ liệu của KBNN lấy thông tin Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của các đơn vị sử dụng NSNN; tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng của Kho bạc Nhà nước với các cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại...
Phía KBNN tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống ngân hàng thương mại đảm bảo đáp ứng điều kiện để mở tài khoản phục vụ thu ngân quỹ Nhà nước của KBNN; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại triển khai thu ngân sách nhà nước theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, Mobile-money, ví điện tử, Mobile-banking,...
Gỡ vướng trong thanh, quyết toán vốn đầu tư công
Đề cập về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện thách thức cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn khi tổng mức đầu tư của năm là 726.684 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 (giai đoạn 2016 - 2020 vốn đầu tư công trung bình mỗi năm chỉ khoảng trên 400.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, hết tháng 5/2023 tổng số vốn đầu tư công đã được phân bổ là trên 692.138 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 707.044 tỷ đồng). Ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN từ đầu năm đến ngày 31/5/2023 trên 157.095 tỷ đồng, đạt 20,80% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 20,67% kế hoạch và đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo Bộ Tài chính, qua quá trình kiểm tra trực tiếp và trực tuyến tại một số địa phương cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công còn xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách mới chưa được cập nhật, tập huấn nên nhiều cơ quan, đơn vị có cách hiểu chưa thống nhất đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thanh, quyết toán.
Cụ thể: Về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP (NĐ 99) ngày 11/11/2021; đồng thời Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC (TT 96) ngày 11/11/2021 quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Các văn bản này được ban hành và có hiệu lực trong thời gian Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.
Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách mới về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công cho các đối tượng áp dụng chưa thực hiện được. Theo Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa kịp thời cập nhật các nội dung được ban hành hoặc có cách hiểu và cách làm khác nhau kéo việc giải ngân bị chậm lại.
Clip Phó Tổng giám đốc KBNN, bà Trần Thị Huệ chia sẻ về lợi ích khi thực hiện Kho bạc “3 không” (không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy):