Cụ thể, lễ khánh thành sẽ được tổ chức tại nút giao đường dẫn cầu Vàm Cống và đường nối vào Quốc lộ 80 thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Trước đó, trao đổi với báo chí sau buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ ngày 7/5, ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó Tổng Giám đốc Cửu Long CIPM cho biết, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đang thực hiện nghiệm thu dự án cầu Vàm Cống để đưa vào sử dụng. Hiện nay, tiến độ trên tuyến đã hoàn thành và sau khi có kết quả nghiệm thu sẽ có kết luận cụ thể thời gian sử dụng.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) là dự án thành phần thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông. Cầu nằm cách bến phà Vàm Cống khoảng 2,5 km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km về phía thượng lưu.
Công trình được khởi công ngày 10/9/2013, hợp long ngày 29/9/2017, có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ (chiều rộng mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn là 24,5 m), được thiết kế với vận tốc 80 km/giờ.
Tổng mức đầu tư là trên 271 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án được thực hiện bởi các nhà thầu là Liên danh Công ty GS E&C và Hanshin, tư vấn thiết kế giám sát là Liên danh Dasan – Kunhwa – Pyunghwa của Hàn Quốc.
Do phải khắc phục sự cố nứt dầm ngang CB6 trên đỉnh trụ P29 xảy ra vào ngày 14/11/2017 nên thời gian thông xe cầu Vàm Cống chậm hơn dự kiến ban đầu. Sau lễ khánh thành, người dân sẽ có khoảng 5 giờ để tham quan cầu trước khi các phương tiện chính thức lưu thông qua cầu Vàm Cống.