Dồn lực thi công thông xe Cầu Vàm Cống cuối năm 2017

Những ngày trung tuần tháng 10/2017, phóng viên Báo Tin Tức có mặt trên công trường Cầu Vàm Cống, ghi nhận không khí thi công sôi động, của dự án, đảm bảo mục tiêu thông xe cầu nối hai tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp, kịp thời phục vụ giao thông, giao thương của người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.


Video Cầu Vàm Cống chuẩn bi thông xe, bắc qua sông Hậu, nối 2 tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp.

Thi công đường dẫn lên cầu bên huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).

Phần cầu chính dài 2,97 km.

Công nhân Công ty Cầu 1 thi công hạng mục lắp dải phần cách và hàng rào hộ lan.

Nhịp cầu chính được thiết kế sử dụng kết cầu dầm thép liên hợp, dây văng hình rẻ quạt gồm 144 dây bố trí trên hai mặt phẳng riêng.

Khổ thông thuyền luồng chính Cầu Vàm Cống là 110 m và 37,5 m.

Ông Bùi Quốc Quân, Giám đốc điều hành dự án cho biết: Ngay sau khi hợp long Cầu Vàm Cống vào ngày 29/9 vừa qua, để đảm bảo bảo mục tiêu thông xe Bộ Giao thông vận tải giao, dự án đã huy động tổng lực cán bộ, công nhân, tư vấn giám sát, đại diện nhà thầu, chủ đầu tư trực tiếp thi công trên công trường.

Cầu Vàm Cống nhìn từ đỉnh trụ cầu cao 450 m.

Phần Cầu Vàm Cống đã thảm nhựa mặt đường dẫn nối với toàn cảnh huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).

Thi công thảm nhựa mặt cầu Vàm Cống.

Toàn cảnh Cầu Vàm Cống thiết kế 4 bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế đạt 80 km/giờ.

Cầu Vàm Cống là dự án thành phần 3, thuộc Dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông, do Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) và Liên danh GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Contrustion Co., Ltd (Hàn Quốc) hợp đồng xây dựng. Cienco1 là nhà thầu phụ cho Liên Danh GS E&C và Hanshin E&C.

Dự án hiện đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng thi công. Bình quân có khoảng 300 người trên công trường mỗi ngày, chia làm 3 ca, nhiều mũi thi công 24/24 giờ trong ngày các hạng mục cuối cùng như: Hoàn thiện đường dẫn, thảm nhựa mặt đường, lắp đặt hàng rào hộ lan, hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy…   

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối từ quận Thốt Nốt (Cần Thơ) đến huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), được khởi công xây dựng vào tháng 9/2013.

Cầu được thiết kế có tổng chiều dài 2,97 km, trong đó nhịp chính cầu dài 870 m; cầu dẫn phía Đồng Tháp dài hơn 1 km, cầu dẫn phía Cần Thơ dài gần 1 km. Mặt cầu thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, đạt vận tốc  thiết kế 80 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư gần 271 triệu USD (tương đương gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.


Dự án hoàn thành, thông xe khai thác sẽ góp phần giảm tải lưu lượng xe qua phà Vàm Cống giữa hai địa phương đã quá tải từ lâu, tiến tới thay tuyến phà này. Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 1,5 km về phía hạ lưu, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu. Nhà thầu thi công chính và đơn vị thiết kế, giám sát Hàn Quốc đã lựa chọn những đặc tính tối ưu nhất để xây dựng cầu này.

Đây là dự án thành phần 3 quan trọng của dự án kết nối liên hoàn giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Cầu Vàm Cống – tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi – Cầu Cao Lãnh, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hình thành trục dọc cao tốc thứ 2, rút ngắn hành trình, thời gian từ TP Hồ Chí Minh đến TP Rạch Giá (Kiên Giang); đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc hiệu quả cho toàn mạng lưới giao thông, nhất là vào mùa mưa lũ.

Đây cũng là cầu dây văng dầm thép có nhịp dài, hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đăng Sơn - Huy Hùng/Báo Tin Tức
Hợp long cầu Vàm Cống, Đồng Tháp
Hợp long cầu Vàm Cống, Đồng Tháp

Ngày 29/9, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp tổ chức hợp long cầu Vàm Cống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN