Thăm mô hình nuôi cá của gia đình anh Kiều Văn Long ở tổ Tháu, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, được biết gia đình anh đã có 6 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Đà với quy mô trên 70 lồng, chủ yếu là các giống cá như trắm đen, lăng đen, lăng đuôi đỏ, cá rô phi… Để tạo ra những sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGap, anh dùng nguồn thức ăn chính là cá tép và bổ sung thêm cám dinh dưỡng, bình quân mỗi năm gia đình cung cấp ra thị trường từ 30 - 40 tấn cá các loại.
Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện trên hồ Hòa Bình đã hình thành mô hình hộ dân nuôi cá lồng cung cấp cho thị trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, giải trí. Các hộ đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá vừa đầu tư thuyền du lịch để phục vụ du khách như: dịch vụ đưa đón khách đến các điểm tham quan trong quần thể hồ Hòa Bình, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá và chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng... Với cách làm này, du khách đến đây được trải nghiệm những dịch vụ mới mẻ, tham quan và thưởng thức sản phẩm đặc sản của địa phương.
Theo ông Hoàng Văn Son, mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Hòa Bình gắn với du lịch đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân ven hồ; đồng thời, mở ra hướng đi mới trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản.
Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có gần 5.000 lồng nuôi cá, tập trung chủ yếu tại khu vực hồ Hòa Bình, với gần 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo tiêu chuẩn VietGAP… Đến nay, có 2 sản phẩm cá và chế biến từ cá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh như cá lăng đen sông Đà file, cá rô phi sông Đà file của Công ty TNHH Cường Thịnh; ruốc cá trắm đen, lăng đen và lăng vàng sông Đà của Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng. Đặc biệt, thương hiệu cá, tôm sông Đà cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá Sông Đà - Hòa Bình", "Tôm Sông Đà - Hòa Bình".
Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh (Cường Thịnh Fish) chia sẻ, năm 2012, công ty mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 40 - 50 lồng. Đến nay, tăng lên hơn 250 lồng với đủ loại cá, sản lượng hàng trăm tấn/năm.
Công ty đã xây dựng được mạng lưới phân phối vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn ở Hà Nội như BigC, Vinmart, Lotte mart… Đồng thời, chủ động đầu tư mô hình nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình triển khai. Ngoài ra, công ty hợp tác với hợp tác xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc) và hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai (huyện Tân Lạc) và nhiều hộ nuôi cá thuộc khu vực hồ sông Đà trong từng công đoạn cung cấp giống, thức ăn, quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 20 cơ sở nuôi cá lồng, quy mô trên 20 lồng/cơ sở; 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng. Một số doanh nghiệp đã ký liên kết sản xuất, tiêu thụ cá sông Đà tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tương ứng khoảng 800 lồng nuôi như: tập đoàn Marvin triển khai dự án nuôi cá diêu hồng, rô phi ứng dụng công nghệ cao với 24 lồng tròn, thể tích 2.000 m3/lồng; sản lượng dự kiến khoảng 5 nghìn tấn/năm. Công ty cá sạch Sông Đà đầu tư nuôi cá lăng vàng, trắm đen, cung cấp cho thị trường 35 tấn cá thịt/tháng. Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đầu tư nuôi hơn 180 lồng, cung cấp ra thị trường từ 30 - 40 tấn cá các loại/tháng…
Thời gian tới, để có thêm nhiều sản phẩm cá lồng đạt tiêu chuẩn OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; điều kiện an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, các địa phương và cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu cá Sông Đà sang các thị trường khó tính.