Khẩn trương triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, ngay trong tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp chính quyền, các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai 9 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chú thích ảnh
Công nhân được trang bị phòng dịch COVID- 19 an toàn trong khi sản xuất tại Công ty KH Vatec, Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Quân Trang/TTXVN

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhanh, bền vững theo từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp nhiều hơn các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đối với doanh nghiệp; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Cụ thể hóa các giải pháp này, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường cải cách thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, duy trì thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không quá 2 ngày, quyết định chủ trương đầu tư cấp tỉnh không quá 24 ngày, đăng ký đầu tư không quá 10 ngày; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai chấm điểm bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI). Đồng thời, xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025...

Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì, nâng cao chất lượng việc liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng, các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; thực hiện nghiêm túc quản lý chất thải rắn, sinh hoạt trên đại bàn tỉnh; thực hiện công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành phố, thị xã theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin...

Sở Xây dựng cải cách quy trình, thủ tục hành chính cấp phép xây dựng, công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị, điều chỉnh giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt tổng mặt bằng, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp chứng chỉ quy hoạch, thảo thuận thiết kế quy hoạch. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên chủ động nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm từ 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định hiện hành, xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị trong việc cải thiện chỉ số CPI...

Theo ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, cùng với việc xây dựng các giải pháp cụ thể, đồng bộ, tỉnh tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; thực hiện tốt quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tăng cường các giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao thương và thu hút đầu tư vào tỉnh.

Thái Nguyên cũng quyết liệt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với từng địa phương gắn với phát triển kinh tế nông thôn và bảo đảm đời sống của nông dân, người làm nông nghiệp, tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi theo lợi thế từng địa phương; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, thiên tai để chủ động có các biện pháp phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại, nhất là công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Nghị quyết 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh
Nghị quyết 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN