Chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện môi trường kinh doanh

Với mục tiêu tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng hạng chỉ số PCI tỉnh Nghệ An đạt Top 15 trong nhiệm kỳ tới, sáng 10/12, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tại Nghệ An phối hợp tổ chức hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh - Từ chỉ số DDCI đến giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Nghệ An”.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội thảo. 

Năm qua, chỉ số PCI của Nghệ An đã tăng bậc đáng kể, từ năm 2014 đến năm 2019, chỉ số PCI của Nghệ An tăng 10 bậc, từ thứ hạng 28 lên thứ hạng 18 vào năm 2019. Tuy nhiên, tốc độ tăng chưa ổn định, điểm của các chỉ số thành phần không có sự đột biến, một số chỉ số thành phần như: tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…có xu hướng giảm điểm.

Phát biểu khai mạc, bà Đào Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An cho biết hội thảo là cơ hội để địa phương hiểu sâu hơn về các chỉ số thành phần, các nội dung tiêu chí đánh giá PCI, DDCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở ban, ngành tỉnh). Từ đó, địa phương quy chiếu các thế mạnh và hạn chế để làm căn cứ xây dựng các chương trình hành động cụ thể trong công cuộc cải cách hành chính.

Phân tích về thứ hạng, các chỉ số thành phần cũng như đánh giá môi trường kinh doanh của Nghệ An từ góc nhìn PCI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI Việt Nam cho rằng, một thực trạng chung hiện nay là lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách tốt nhưng không được thực hiện đúng ở cấp huyện; có những sáng kiến tốt ở cấp tỉnh nhưng việc thực thi của các sở, ngành thuộc tỉnh lại có vấn đề.

Với những khó khăn trên, ngày càng có nhiều địa phương triển khai DDCI và đến nay, có 54 địa phương đã hoặc đang triển khai đánh giá DDCI. DDCI đã chứng minh khả năng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh như xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động và cầu thị. Cùng với đó là xây dựng công cụ giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành và huyện, thị.

“Tác động tích cực mà DDCI đem lại là tạo ra sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các sở, ban, ngành và huyện, thị trong việc cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bà Đào thị Kim Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An, phát biểu tại Hội thảo. 

Chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, theo bà Vũ Kim Chi - Phó Ban Hỗ trợ và Xúc tiến Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, tỉnh xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, tinh thần DDCI là mạnh dạn trao quyền cho doanh nghiệp. Muốn vậy, Quảng Ninh đã tạo sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành và địa phương để thay đổi nhận thức của các cấp, ngành, cùng với đó là lắng nghe tiếng nói và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Kỳ vọng của doanh nghiệp ngày càng cao, không chỉ Quảng Ninh mà các địa phương khác cần phải tiếp tục cố gắng để đáp ứng hơn nữa nhu cầu, sự hài lòng của doanh nghiệp. Đó chính là cải thiện tính minh bạch, thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, giảm thiểu chi phí không chính thức, đảm bảo an ninh tiền tệ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Vũ Kim Chi gợi mở.

Tại hội thảo, ông Trương Đức Trọng – Chuyên gia của Ban Pháp chế VCCI cũng chia sẻ cách thức và phương pháp triển khai thực hiện chỉ số DDCI. Theo đó, các địa phương cần xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động và cầu thị. Các cơ quan nhà nước nắm được các đánh giá từ doanh nghiệp, nhà đầu tư về tình hình hoạt động của đơn vị, từ đó có thể lựa chọn và triển khai các biện pháp cải thiện.

Tuy nhiên, địa phương cũng cần nhân rộng, lan tỏa những mô hình hay, thực tiễn tốt trong cải cách hành chính tại chính các đơn vị; tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với các cơ quan nhà nước.

Tại hội thảo, ngoài những phân tích, đánh giá môi trường kinh doanh của các chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm của một số một số tỉnh, thành  để nâng cao chỉ số PCI, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ ý kiến để cải cách thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng chỉ số DDCI – phương pháp cải cách để bứt phá từ các Sở ngành, địa phương; cách thức, phương pháp triển khai thực hiện chỉ số DDCI, cũng như những hoạt động tiền đề cho dự án DDCI tại Nghệ An, thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực thi khảo sát.

Tin, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục tăng điểm
Chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục tăng điểm

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 30/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết giai đoạn 2016-2019, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam (theo đánh giá của quốc tế) liên tục cải thiện về điểm số và thứ hạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN