Phát huy tinh thần cải cách trong cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 6/12, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là các thành viên Hội đồng đã xem xét, góp ý nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2020.

Theo báo cáo, năm 2019, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện điểm số. Năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 4 bậc (từ vị trí 67 lên vị trí 63). Các bộ, ngành đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia chủ động, tích cực hơn để cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Nhấn mạnh sự lan tỏa của tinh thần cải cách từ Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng tinh thần này thể hiện ngay trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết năm 2020, nhiều bộ, ngành đã đề nghị đưa thêm vào những chỉ số mới để tạo "sức ép" cải cách cho chính bộ ngành mình. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này kiến nghị, chúng ta không nên chỉ căn cứ vào những chỉ số quốc tế đánh giá thứ hạng của Việt Nam. Tác động của cải cách thể hiện qua đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và hiệu quả, hiệu lực thực tế.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chúng ta có rất nhiều cải cách về môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành nhưng sự chồng chéo giữa các văn bản luật vẫn rất nhiều, phổ biến. Hầu hết các bộ mới chỉ đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm nhưng chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp, cũng như chưa theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi những cải cách này.

“Thống kê của CIEM cho thấy vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đã đụng đến luật, nếu không sửa luật không thể rút ngắn. Đồng thời, chúng ta phải kiểm soát điều kiện kinh doanh mới ban hành, ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng lợi thực tế”, ông Phan Đức Hiếu thông tin.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Cho ý kiến tại cuộc họp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, điều tra diện rộng về kết quả cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thuế, cải thiện môi trường kinh doanh… tại 63 tỉnh/thành phố cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực tiếp tục tăng năm thứ ba liên tiếp.

"Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng đây là hiệu ứng từ thời gian trước" - ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, đồng thời phân tích: “Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Doing Business, năm 2018 Việt Nam có 5 sáng kiến cải cách hành chính lớn, đến năm 2019 chỉ có 3 và năm 2020 còn 2. Điều đó gây lo ngại về sự trầm lắng trong cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mặc dù kết quả thực tế có chiều hướng tốt lên”. Từ đó, đại diện của VCCI kiến nghị trong năm 2020 hoạt động của Hội đồng nên tập trung vào giám sát, đánh giá hiệu quả thực thi chính sách.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 không chỉ là nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết được xây dựng theo phương pháp luận của các tổ chức quốc tế từ 6 bảng xếp hạng: Môi trường kinh doanh (Ngân hàng Thế giới); Năng lực cạnh tranh (Diễn đàn Kinh tế thế giới); Chỉ số Chính phủ điện tử (Liên minh Viễn thông quốc tế); Đổi mới sáng tạo (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới); Chỉ số Logistics (Ngân hàng Thế giới);  Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch (Diễn đàn Kinh tế thế giới). Nghị quyết có tác dụng giúp chúng ta nhìn lại “bức tranh” chung để xác định phải đẩy mạnh cải cách ở những khâu nào.

Theo Phó Thủ tướng, tinh thần của các nghị quyết là có nhiều giải pháp thực hiện trong nhiều năm. "Nghị quyết năm 2020 cũng vậy nhưng chúng ta tập trung vào một số việc rất cụ thể. Hội đồng nhận diện đầy đủ nhưng bước đi phải có thời điểm, có giải pháp kỹ thuật và xử lý thiết thực, chỉ ra được những điểm bắt buộc phải sửa để có môi trường hấp dẫn, cạnh tranh hơn”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các thành viên Hội đồng khẩn trương đóng góp vào nội dung dự thảo nghị quyết.

Phó Thủ tướng lưu ý từng ủy ban trực thuộc Hội đồng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai, thực hiện đến cùng không để tình trạng “đăng ký nhưng không triển khai”.

Xuân Tùng (TTXVN)
Doanh nghiệp cần lưu ý những gì khi bước sang môi trường kinh doanh 2020?
Doanh nghiệp cần lưu ý những gì khi bước sang môi trường kinh doanh 2020?

Năm 2020 là năm bản lề khi 13 FTA Việt Nam đã ký phần lớn sẽ bước vào giai đoạn thực hiện. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để tiếp cận các đối tác từ thị trường lớn như Mỹ, EU...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN