Tận dụng cơ hội trong tình hình mới
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế 2020: Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới chiều ngày 5/12, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng ba cơ hội. Đầu tiên là phải khai thác tiềm năng từ các FTA có hiệu lực để tăng cường thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ có thể “ăn theo” dòng đầu tư xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp khác và tận dụng cơ hội để trở thành một phần chuỗi cung ứng, để có thể tiếp cận được với các đối tác từ các thị trường lớn như EU, Mỹ. Trung Quốc
Cùng đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm khi hải quan các nước cũng như các cơ quan Việt Nam đều chú ý đến vấn đề này. Các doanh nghiệp cần chứng minh với các đối tác và các thị trường quan trọng rằng Việt Nam rất nghiêm túc trong việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm.
Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến sự chuyển hướng thương mại và dịch chuyển dòng đầu tư trong bối cảnh xung đột thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, tăng tính chủ động khai thác cơ hội cũng như chủ động tiếp cận thông tin trên các kênh cung cấp của các Bộ, ngành cũng như VCCI.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sẽ có nhiều nhân tố tác động cản trợ tới sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, niềm tin và sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp sẽ quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Chia sẻ về cơ hội đầu tư ngành và lĩnh vực trong giai đoạn 2020-2030, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản), lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế), các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ).
Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)... được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.
6 nguồn vốn các doanh nghiệp cần lưu tâm
Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm nay mức độ tăng trưởng của nền kinh tế 7% là khả thi và các dự báo cho năm tới sẽ ở mức tối đa là 6,8%. CPI năm nay sẽ ở mức khoảng 3% và năm tới khoảng 3,5%.
Về bài toán dòng vốn, theo TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp đang có ít nhất 6 dòng vốn khác nhau mà doanh nghiệp cần lưu tâm trong thời gian tới. Đầu tiên là tiền ngân sách. Theo ông Lực, ngân sách giúp doanh nghiệp thông qua các quỹ như quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tính dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng một số quỹ khác.
Nguồn vốn thứ hai vô cùng quan trọng là vốn từ đối tác. Thứ ba là nguồn vốn nước ngoài. Các quỹ đầu tư nước ngoài hiện rất quan tâm đến doanh nghiệp việt Nam. Có những doanh nghiệp huy động vốn tốt, từ 1 đến 3 triệu USD. Đây cũng là nguồn vốn khả thi và quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nguồn vốn thứ tư là tín dụng và bảo lãnh. Nguồn vốn thứ năm là huy động từ thị trường vốn. Đây cũng là nguồn vốn cực kỳ quan trọng, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Hiện nay doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đến kênh này. Cuối cùng là vốn tự có và vốn đóng góp.
Cùng với đó, theo ông Lực, hiện nay việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn thấp. Do đó, Chính phủ, bộ ngành, Ngân hàng nhà nước cần triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp trong việc phối hợp tốt hơn giữa Quỹ, Hiệp hội, chính quyền địa phương...
Đặc biệt, tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh-đầu tư, phát triển tài chính số, ngân hàng số; qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn.
Đối với doanh nghiệp, cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thiện chí hợp tác, phối hợp với định chế tài chính trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Đồng thời, chủ động tăng hiểu biết về tài chính-tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường liên kết, cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội; chủ động, quyết liệt tham gia chuỗi giá trị. Kết hợp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro bài bản hơn; xây dựng và thực thi chiến lược “Kinh doanh số”.