Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài cuối: Tái cơ cấu theo hướng giá trị kinh tế cao

Những năm qua, nghề cá các tỉnh ven biển đang đối diện với nhiều thách thức như nguồn lợi vùng biển gần bờ suy giảm; ngư trường khai thác bị thu hẹp do hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, trong khi số lượng tàu cá gia tăng và chi phí sản xuất tăng cao… Trước thực trạng trên, vấn đề tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gắn với bảo vệ nguồn lợi là xu hướng phát triển tất yếu của nghề cá các tỉnh ven biển.


Gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản


Theo quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, tỉnh sẽ trở thành trung tâm lớn về công nghiệp khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến, nuôi trồng, sản xuất giống của vùng Đông Nam Bộ; phát triển thủy sản của tỉnh trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả cao, có giá trị xuất khẩu lớn… Với định hướng đó, tỉnh tăng cường năng lực chuyên môn, đầu tư thiết bị và kinh phí cho công tác giám sát chất lượng môi trường nước, thông tin kịp thời cho người nuôi có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Các vùng nuôi tập trung, các trại sản xuất giống đều phải bố trí hệ thống công trình ao nuôi, bể lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất và hệ thống xử lý nước thải trước khi xả nước ra môi trường ngoài.

 

 

Tổ hợp tác bám biển của ngư dân Quảng Bình.Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển nuôi trồng để hình thành các vùng nuôi công nghiệp tập trung, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, hạn chế các rủi ro do tác động của môi trường.


Đối với tỉnh Ninh Thuận, Sở NN&PTNT cũng chủ trương tạo chuyển biến mới trong khai thác thủy sản, chú trọng phát triển nuôi trồng theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và cân bằng sinh thái.


Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận, sau nhiều năm tập trung khai thác ven bờ, đến nay ngư trường ven bờ của tỉnh đang có dấu hiệu cạn kiệt nguồn lợi. Do đó, chỉ đạo của tỉnh cũng bám theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu lại ngành thủy sản, tổ chức lại nghề khai thác thủy sản, trong đó tổ chức lại khai thác vùng biển ven bờ hướng đến giảm tàu dưới 20 CV, dần dần phân cấp tàu dưới 20 CV và khai thác ven bờ cho các địa phương cấp huyện, xã vùng biển ven bờ; giao mặt nước biển cho các cộng đồng ngư dân có sự quản lý của địa phương để họ khai thác một cách có kế hoạch và thực hiện bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản.


Hướng đến đánh bắt xa bờ


Trước đây, nghề cá của Ninh Thuận chỉ khai thác cá nổi nên không đòi hỏi tàu công suất cao. Tuy nhiên, định hướng của tỉnh đang dần dần thay đổi cơ cấu nghề cho ngư dân, bám biển dài ngày hơn buộc ngư dân phải đánh bắt trên những tàu lớn hơn… Muốn vậy, phải thay đổi cơ cấu thuyền nghề để chuyển sang những nghề khai thác có giá trị kinh tế, đồng thời có những cơ chế chính sách hỗ trợ kèm theo để ngư dân vươn ra khai thác biển xa, từ đó tăng tỷ trọng GDP của nghề khai thác hải sản trong GDP chung của tỉnh cũng như cả nước.


Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận, cho rằng: Vùng khai thác cá ngừ đại dương nằm ngay vùng biển Ninh Thuận nhưng ngư dân lâu nay lại không “mặn mà” với khai thác biển xa. Do đó, ngành đang vận động ngư dân chuyển dịch hoạt động sang nghề có giá trị kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu nghề theo hướng phát triển nhiều đội tàu lưới rê 3 lớp và các nghề vây khơi, câu khơi, trong đó tập trung vận động phát triển nghề câu cá ngừ đại dương, vận động những ngư dân chỉ hoạt động một nghề (như pha xúc) kiêm thêm nghề vây khơi, câu khơi có giá trị kinh tế, hiệu suất sử dụng tàu được nâng cao, hiện đã vận động được 10 chiếc tàu chuyển đổi nghề.


Ông Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng Quản lý thủy sản, Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trước đây, công tác bảo quản của ngư dân chủ yếu là hầm gỗ và nước đá dẫn đến tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch khoảng 30%. Khi xây dựng mô hình bảo quản này đã giúp ngư dân giảm tỉ lệ hư hỏng sau đánh bắt còn 5%, tỉ lệ hao đá giảm 20%, thời gian làm vệ sinh chỉ bằng 1/3 so với trước. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích tạo điều kiện cho bà con vươn khơi xa để đánh bắt có chọn lọc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu; khuyến khích ngư dân phát triển tàu bằng công nghệ mới như tàu vỏ sắt để dần dần thay thế cho tàu vỏ gỗ.

 

Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư và hướng dẫn người dân đầu tư các trang thiết bị nâng cao đánh bắt cũng như nâng cao việc bảo đảm an toàn như máy movimar, máy thông tin định vị vệ tinh để giúp người dân cứu hộ cứu nạn trên biển, thông tin đó cũng được cập nhật để phổ biến người dân các tin tức, thời tiết, bão…


Việt Âu - Hồng Nhung

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài 2
Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài 2

Người dân những tỉnh ven biển không chỉ tập trung đánh bắt thủy hải sản mà còn chú trọng tận dụng nguồn nước để nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN