Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài 2

Bài 2: Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản


Người dân những tỉnh ven biển không chỉ tập trung đánh bắt thủy hải sản mà còn chú trọng tận dụng nguồn nước để nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống.

 

Nuôi trồng thủy hải sản giá trị kinh tế cao


Các loài hải sản có giá trị kinh tế được người dân vùng biển tập trung nuôi trồng bao gồm: tôm hùm, cá song, cá giò, cua, ghẹ, hải sâm, nghêu, hàu, rong sụn, rong nho... Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Cây rong sụn là cây “xóa đói giảm nghèo” cho hàng trăm hộ dân ven biển của tỉnh, mang lại thu nhập khá cao cho người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 265 ha, tập trung nhiều nhất tại Phước Dinh và Đầm Nại.


Chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận).  Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Ông Hồ Văn Xuân, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trước đây, gia đình ông chỉ đánh bắt cá mỗi ngày để kiếm sống nhưng khi thấy nhiều người xung quanh trồng rong sụn cho thu nhập cao, ông bắt đầu làm theo. Vụ vừa qua, sau khi thu hoạch, ông thu lãi 70 triệu đồng/ha, còn vụ trước nữa thu lãi 100 triệu đồng/ha.


Ngoài trồng rong sụn, những tỉnh khu vực ven biển còn tận dụng lợi thế nguồn nước mặn để nuôi tôm giống và tôm thương phẩm cung cấp cho chế biến và xuất khẩu. Theo bà Bùi Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, một trong những tỉnh đi đầu về việc cung cấp tôm giống cho cả nước, đến nay toàn tỉnh có 450 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng hơn 18 tỷ con giống thẻ chân trắng và tôm sú, trong đó giống thẻ chân trắng chiếm hơn 15 tỷ con. Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh thuận lợi cho người dân trong phát triển nghề nuôi tôm thương phẩm.


Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tận dụng lợi thế ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ và 41 doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nuôi thương phẩm và giống các loại thủy sản. Tổng diện tích nuôi trồng toàn tỉnh khoảng hơn 7.000 ha các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, cá lóc, rô phi, ba ba... sản lượng ước tính khoảng 14.200 tấn.


Ông Đỗ Lương Tịnh, ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bắt đầu nuôi tôm từ năm 2009. Đến đầu năm 2013, ông chuyển các ao nuôi tôm theo phương pháp thông thường sang nuôi theo công nghệ khép kín (VietGAP). Trong 20 ha, ông sử dụng 10 ha để làm ao lắng, 10 ha mặt nước để nuôi thương phẩm. Các ao nuôi được thiết kế bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, nguồn nước được xử lý trước khi đưa vào ao. Ngoài ra, ông dùng bạt trải từ đáy cao lên bờ 0,5 m để ngăn những con vật gây hại cho tôm vào ao. Trong quá trình nuôi, ông gắn hệ thống ôxy đáy để cung cấp đủ ôxy cho tôm nuôi mật độ cao. Bên trên ông che lưới lan toàn bộ ao để vừa chống sự xâm nhập của các loài động vật và côn trùng, vừa giữ nhiệt độ trong ao ổn định. Đợt thu hoạch tôm cuối tháng 4/2014 vừa qua, ông thu được 100 tấn tôm và bán với giá 120.000 đồng/kg cỡ 100 con/kg, giá 150.000 đồng/kg cỡ 70 con/kg. Sau khi trừ đi chi phí đầu tư, ông Tịnh thu lợi nhuận gần 6 tỷ đồng.


Đầu tư chưa mạnh


Mặc dù khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là thế mạnh của nhiều khu vực nhưng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ cho kinh tế ven biển vẫn đang gặp nhiều khó khăn.


Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay vùng nuôi tập trung của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành. Vì vậy một số khu vực nuôi trọng điểm chủ yếu do người dân tự phát đầu tư. Hơn nữa, hạ tầng kĩ thuật của các dự án nuôi trồng thủy sản triển khai chậm, làm cho một số vùng nuôi tôm chưa được cung cấp đủ nguồn nước để nuôi và thiếu hệ thống thoát nước xả thải. Ngoài ra, với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước làm hoạt động sản xuất của người dân bị thiệt hại nhưng chưa có giải pháp xử lí hiệu quả. Hơn nữa, hạ tầng kĩ thuật nghề cá của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần thủy sản. Thêm vào đó, nhu cầu con giống thủy sản trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi các cơ sở sản xuất giống thủy sản khá nhiều nhưng chất lượng con giống lại không cao, nhiều loại con giống chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu từ nơi khác hoặc nước ngoài.


Khác với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến thủy sản còn nhiều hạn chế, mức độ cơ giới hóa chưa vượt quá 50%, nhiều khâu lao động thủ công, hệ số đổi mới thiết bị thấp dưới 10%/năm. Phần lớn máy móc thiết bị sản xuất đầu tư chưa đồng bộ, thiếu các thiết bị kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đồng thời, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sức tiêu thụ giảm đáng kể tại nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản, từ đó yêu cầu chất lượng nguyên liệu cao hơn làm cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong khu vực thiếu nguồn nguyên liệu đạt chất lượng, các nhà máy thiếu nguyên liệu cho chế biến, chỉ hoạt động cầm chừng, các dây chuyền sản xuất chỉ chạy 30 - 40% công suất thiết kế, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của công nhân.


Hồng Nhung - Việt Âu

 

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài cuối: Tái cơ cấu theo hướng giá trị kinh tế cao
Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài cuối: Tái cơ cấu theo hướng giá trị kinh tế cao

Những năm qua, nghề cá các tỉnh ven biển đang đối diện với nhiều thách thức như nguồn lợi vùng biển gần bờ suy giảm; ngư trường khai thác bị thu hẹp do hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, trong khi số lượng tàu cá gia tăng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN