Ngư dân Cà Mau chủ yếu sống với nghề đánh lưới ốc mực.
|
Hiện, tại các địa phương được xem là “nóng” về tình hình này như huyện Trần Văn Thời, U Minh… đang tích cực khẩn trương cụ thể hoá Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến từng cơ sở, từng ngư dân, để ngư dân hiểu và làm theo.
Huyện Trần Văn Thời có số lượng tàu khá lớn nên việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát phương tiện trên biển gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giám sát hành trình hoạt động của tàu cá trên biển cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều ngư dân chưa chấp hành nghiêm việc bật các thiết bị định vị hay hệ thống thông tin liên lạc khi hoạt động ở vùng biển xa.
Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời trăn trở, thời gian qua việc kiểm tra còn lỏng lẻo. Hơn 10 năm kể từ khi có quy định ghi chép nhật ký khai thác, đa phần các chủ phương tiện khai thác biển không chấp hành chủ trương này.
“Tới đây, địa phương sẽ mạnh tay xử lý đối với những trường hợp tàu đăng ký phương tiện khai thác không đúng quy định, đăng ký ban đầu. Kể cả những cơ sở sản xuất ra các thiết bị cào hải sâm. Việc cam kết của các chủ phương tiện không còn đơn phương với biên phòng nữa mà có sự kết hợp nhiều ngành chuyên môn và các địa phương”, ông Sử Văn Minh, nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo UBND huyện Trần Văn thời, ngoài việc cam kết ra thì huyện sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong việc tố giác hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài. Song song với đó, UBND các xã, thị trấn ven biển bổ sung vào nghị quyết năm cũng như nghị quyết của nhiệm kỳ và có báo cáo về Thường vụ Huyện ủy. Đồng thời, 5 xã, thị trấn ven biển của địa phương có Thường vụ Huyện ủy phụ trách phải tăng cường công tác này, nếu để xảy ra sai phạm sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy.
Theo kế hoạch, đến ngày 30/6, huyện Trần Văn Thời sẽ triển khai gắn thiết bị giám sát hành trình cho trên 50% phương tiện của huyện. Tới ngày 30/12, toàn bộ các phương tiện có công suất trên 90 CV phải được gắn thiết bị này. Nhằm khắc phục những khó khăn mà ngư dân gặp phải trong việc gắn thiết bị giám sát hành trình, lãnh đạo huyện Trần Văn Thời cũng kiến nghị Công ty Viễn thông Viettel cần nghiên cứu và cải thiện tình trạng hao pin của các thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo ngư dân sử dụng thiết bị này trong những chuyến khai thác dài ngày trên biển.
Nhằm ngăn chặn triệt để việc mua bán hải sản không rõ nguồn gốc, ông Sử Văn Minh cho biết, huyện sẽ triển khai việc cấm các chủ vựa mua các sản phẩm thủy hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, mà cơ sở căn cứ là phương tiện đó phải có nhật ký khai thác và phải qua cảng trước khi tiến hành các hoạt động mua bán.
Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời hiện không chỉ là cửa biển lớn nhất của tỉnh Cà Mau mà còn của cả khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Do đó, vai trò, trách nhiệm của địa phương luôn rất lớn trong mục tiêu tiến tới ngăn chặn tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết, hiện địa phương có 40 thành viên của 3 đội tàu thuyền an toàn đang nỗ lực tuyên truyền rộng rãi cho ngư dân không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Những chủ tàu đã và đang có dấu hiệu vi phạm đã được thành viên của đội tàu thuyền an toàn “giám sát”, đồng thời, ra sức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh đến các đối tượng này.
Hiện nay, địa phương tiếp tục lắp các thiết bị giám sát để quản lý tàu khai thác trên các vùng biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; bắt buộc các tàu cá lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với các trạm quản lý tại bờ, tiến tới hoàn thành mục tiêu chấm dứt tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều Công văn quan trọng nhằm chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là chỉ đạo cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vào cuộc để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Qua đó, các địa phương, đơn vị có liên quan đã nhìn nhận những hạn chế và đề ra phương hướng, kế hoạch cụ thể để thực hiện trong thời gian tới; các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đến người dân để ngăn chặn hành vi nêu trên... Đó là những chuyển biến tích cực bước đầu của các địa phương, đơn vị liên quan, trong việc đấu tranh ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Cà Mau đang vào cuộc với cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở. Các chính sách, phương pháp, cách thức tuyên truyền cũng đã thay đổi; sự chủ động vào cuộc của ngành chức năng đã kiên quyết hơn, vấn đề còn lại là ý thức của ngư dân trong việc tuân thủ pháp luật, cùng nhìn về lợi ích chung của quốc gia.
Vì một nghề cá phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, UBND tỉnh Cà Mau đang tích cực kêu gọi ngư dân tỉnh tỉnh nhà không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài. Bởi điều này không chỉ đảm bảo an toàn trong sản xuất, đời sống và sinh kế của chính ngư dân mà còn góp phần đồng hành cùng với cả nước thực hiện tốt các khuyến nghị của EC nhằm sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam nói chung.