Khắc phục 'thẻ vàng' IUU - Bài 1: Cà Mau triển khai nhiều giải pháp mạnh tay

Ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định áp dụng “thẻ vàng” vào cuối năm 2017 vừa qua.

Với một địa phương dựa nhiều vào phát triển kinh tế thủy sản như Cà Mau, thì việc chung tay gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam đang là mục tiêu tối quan trọng nhằm đảm bảo những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau). Ảnh: Kim Há/TTXVN

Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km và diện tích ngư trường 80.000 km2, Cà Mau được xem là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế thủy sản lớn nhất cả nước. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, cũng xảy ra tình trạng tàu cá và thuyền viên của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Theo nhận định của UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài được xác định là vì lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các địa phương tuyến ven biển chưa thật sự sâu sát và quyết liệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho biết, sau khi thực hiện những giải pháp mạnh đối với các chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: không cho các chủ tàu được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ); xử phạt vi phạm hành chính các chủ tàu ở mức cao nhất; buộc chủ tàu chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước; tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản từ 3 - 6 tháng... thì năm 2017, số lượng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển và bị nước ngoài bắt giữ giảm 16 tàu so với năm 2016.

Tuy nhiên, từ ngày 23/10/2017 đến nay, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn và có chiều hướng tăng nhanh; trong đó, huyện Trần Văn Thời dẫn đầu, có đến 16 tàu vi phạm, kế đến là huyện U Minh với 2 tàu vi phạm.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, khi để nhiều tàu cá và ngư dân trên địa bàn khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài sau ngày 23/10/2017 đến nay.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện U Minh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các đơn vị khi để xảy ra 2 vụ tàu cá ở xã Khánh Hội và Khánh Lâm với 12 thuyền viên bị phía Thái Lan bắt giữ, khả năng do khai thác vi phạm vùng biển Thái Lan vào ngày 19 và 21/3 vừa qua.

Các địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc kiểm điểm. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cho người dân về nâng cao ý thức trong việc khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, ngày 12/4 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU; trong đó, Chỉ thị đã đưa ra hình thức xử lý sẽ áp dụng là thu hồi vĩnh viễn bằng thuyền trưởng, giấy phép hoạt động đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt; trong đó, yêu cầu các cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp và kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Từ đó tiến tới mục tiêu nhằm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt thời gian tới, nên phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân.

Đồng thời, Cà Mau sẽ triển khai việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; xử phạt, xử lý nghiêm ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với chủ tàu, thuyền trưởng, đối tượng móc nối, môi giới đưa tàu, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép...

Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết, các tàu khi ra khơi không được tắt thiết bị giám sát hành trình, nếu tắt thì phải báo ngay cho gia đình và bộ đội biên phòng gần nhất. Đồng thời, các tàu phải có nhật ký khai thác đánh bắt xa bờ, hàng tuần thuyền trưởng phải liên hệ với gia đình, đồn hoặc trạm biên phòng. Nếu cố tình vi phạm sẽ tước bằng thuyền trưởng vĩnh viễn.

Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ chuyên môn phụ trách do những nguyên nhân chủ quan. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ với sự tham gia của biên phòng, công an, đoàn thể; phân loại đối tượng để quản lý; trang bị thêm 3 máy đường dài tại các trạm Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh) và Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).

Hiện, tỉnh Cà Mau đã xây dựng dự án hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và bắt buộc chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác. Ngoài ra, cấm mua bán, vận chuyển một số đối tượng hải sâm liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển các nước.

Thời gian qua, Cà Mau đã triển khai sử dụng hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar. Để thực hiện dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar", tỉnh Cà Mau đã lắp đặt 153 thiết bị định vị vệ tinh Movimar; trong đó, có 150 thiết bị lắp cho ngư dân, 3 thiết bị lắp cho tàu thanh tra chuyên ngành thuỷ sản.

Đây được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để giám sát việc khai thác, đánh bắt của ngư dân trên biển, giúp ngành chức năng có thể quản lý, ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Bài 2: Nhiều chuyển biến từ cơ sở

Huỳnh Anh (TTXVN)
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4 năm 2018 ước đạt 650 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN