Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cây chè là một trong những giống cây nội địa, được phát triển thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, chính vì vậy, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.
Theo ông Mạnh, sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.
“Trong tổng số 194.000 tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146.000 tấn, trị giá 237 triệu USD; chè tiêu thụ trong nước khoảng 48.000 tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn. Như vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè Việt Nam trong thời gian tới”, ông Mạnh cho biết.
Tại Việt Nam, hiện mới chỉ chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu.
Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè olong, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi.
Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như “vàng xanh” của đất nước, mang trong mình tiềm năng to lớn và những giá trị truyền thống của sản phẩm chè Việt Nam. Sản phẩm chè Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam còn thấp do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng…
Bởi vậy, thông qua không gian diễn đàn này, các đơn vị liên quan tổ chức hy vọng được lắng nghe nhiều đóng góp, chia sẻ, thảo luận từ các đại biểu để cùng nhau chung tay tìm giải pháp hiệu quả cho ngành chè Việt Nam phát triển, đặc biệt là từ các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, cũng như những địa phương sản xuất chè trọng điểm…
Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh còn số lượng cơ sở chế biến chè theo quy mô nhỏ còn tương đối lớn, khiến việc đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh Bắc Trung bộ cũng băn khoăn về bộ giống chè, bởi tập quán sử dụng giống PH1 từ lâu.
Nghệ An có hơn 8.000ha trồng chè, và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn thứ 3 cả nước với sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích chè VietGAP của Nghệ An chỉ khoảng vài chục hecta, diện tích chè sản xuất theo hướng hữu cơ thậm chí còn thấp hơn.
Giá trị cây chè trên địa bàn Nghệ An khá thua thiệt so với các địa phương trồng chè trong cả nước. Nếu như, giá chè búp của Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg chè búp tươi, thì ở Nghệ An giá chè búp cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ có những tư duy mới về sản xuất, tiếp cận thị trường, cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư cho ngành chè. Đặc biệt, việc thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho đẹp, bắt mắt để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu nhằm tạo vị thế mới cho ngành chè Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.