“Khó báu” dược liệu
Bắc Kạn là một trong những địa phương giàu tiềm năng về dược liệu nhất các tỉnh miền núi phía Bắc, với hơn 1.000 loài cây thuốc có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như: Bình vôi, hà thủ ô, khôi nhung tía, ba kích, cát sâm, đẳng sâm, kê huyết đằng... trong đó có 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Nhiều năm nay, tỉnh Bắc Kạn đã hình thành vùng dược liệu tập trung với sự tham gia phát triển cây dược liệu của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp như: HTX Văn Lang HT, HTX Nông nghiệp Tân Thành, Công ty TNHH Nhà máy Curcumin Bắc Hà, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn... và các vùng chuyên canh trồng cây quế, hồi tại huyện Bạch Thông; ba kích, hà thủ ô đỏ tại Na Rì; cát sâm, đẳng sâm tại huyện Chợ Đồn...
Tại Hà Nội, việc phát triển các vùng chuyên canh và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến cây dược liệu cũng đang là hướng đi tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tại vùng dược liệu xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đã hỗ trợ giống, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nên cây dược liệu đã mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha/năm trở lên, gấp 3 lần cây trồng khác.
Việc các doanh nghiệp, HTX tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến dược liệu và tạo được chỗ đứng trên thị trường, kinh doanh khởi sắc đang góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Duy Diệp, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, nhất là cây dược liệu vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tại các địa phương hạn chế, chủ yếu xuất thô cho các đầu mối trong và ngoài tỉnh thu gom, với giá trị thấp, không ổn định. Việc đưa sản phẩm dược liệu lên sàn thương mại điện tử tiệu thụ gần như không có... Phát triển cây dược liệu đang góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi. Theo các chuyên gia nông nghiệp, câu chuyện tại Bắc Kạn đang là nỗi trăn trở khá phổ biến của các tỉnh miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Liên kết tiêu thụ từ vùng dược liệu tập trung
Là chủ một HTX, với hơn 40 đại lý trong nước, đã ký kết hợp đồng cung cấp cho các đối tác 250 tấn nghệ sấy lát, 150 tấn bột nghệ và 70 tấn tinh bột nghệ mỗi năm, chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành (Bắc Kạn) chia sẻ, để có được những kết quả tích cực, HTX thường xuyên chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, có chiến lược marketing, xúc tiến thương mại sản phẩm cụ thể, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ chế biến và quan trọng nhất là thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Để đảm bảo sản phẩm sạch và an toàn, HTX đã chủ động về nguồn nguyên liệu, ký hợp đồng cung cấp giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên; đồng thời, liên kết sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm theo yêu cầu thị trường được xâu chuỗi. Hiện các sản phẩm nghệ nếp của HTX đã có mặt tại các tỉnh: Đắk Lắk, Quảng Ninh, TP Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, TP Hồ Chí Minh... và xuất khẩu.
Chị Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Nam Việt - đơn vị chủ trì liên kết thực hiện Dự án “Đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn” nhận định: Để làm giàu từ cây dược liệu, các đơn vị chức năng và chính quyền các cấp cần thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định về khai thác và phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng; khai thác đi đôi với bảo tồn để phát triển bền vững; có chính sách phù hợp để phát triển lâm sản ngoài gỗ...
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Đoàn Hoài Nam cho biết: Việc trồng và phát triển cây dược liệu trong rừng chưa được quy định trong Luật Lâm nghiệp. Tại Điều 248 của Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi, bổ sung các Điều 53, 54 và 60 của Luật Lâm nghiệp đã quy định về trồng, phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cho thuê môi trường rừng để phát triển cây dược liệu được thực hiện theo Quy chế quản lý rừng. Như vậy, để trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chủ rừng phải xây dựng Phương án để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đây là hướng đi mở trong phát triển thu hoạch cây dược liệu trong rừng, tạo điều kiện cho việc phát triển cây dược liệu trong rừng, cũng như quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Hệ sinh thái rừng Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều loài cây dược liệu, với 5.117 loài cây thuốc. Đây là kho tàng vô giá để nghiên cứu tạo nguồn nguyên liệu và các sản phẩm phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có khoảng 300 loài thường xuyên được khai thác tiêu thụ ra thị trường.