Yên Ninh là xã miền núi phía Bắc của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, với địa hình đồi núi tương đối phức tạp. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 4.756,81 ha, dân số trên 6.700 người, trong đó gần 80% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc điểm đất đai của địa phương, đồng bào người dân tộc Sán Chí ở xã Yên Ninh (Phú Lương) đang từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu, góp phần phá thế độc canh cây lúa, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Anh Hoàng Khắc Cần, sinh năm 1990, dân tộc Sán Chay, Giám đốc Công ty cổ phần sản phẩm thiên nhiên DK, xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên), chia sẻ: Năm 2011, kế thừa các công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội; anh đã cùng bà con trong vùng thử nghiệm trồng cây dược liệu thìa canh trên đất ruộng.
Cây thìa canh thích hợp với vùng đất cao, thoát nước tốt, tầng đất sâu, đất từ cát pha đến thịt trung bình. Loại cây này có sức sống rất tốt, chỉ cần cung cấp đủ nước, kết hợp chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, là sẽ phát triển ổn định, đảm bảo năng suất, sản lượng.
Thời điểm thích hợp nhất để trồng là vào tháng 4 hoặc tháng 7. Đất sau khi được cày tơi, phơi ải và diệt trừ hết mầm bệnh, thì được vun luống cao từ 30- 35cm để trồng cây. Mỗi luống cách nhau từ 1,3-1,5m sau khi trồng, dùng rơm rạ đậy kín xung quanh gốc cây và toàn mặt luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại mọc để cây nhanh bén rễ.
Quá trình chăm sóc, để đảm bảo an toàn sinh học cho dây thìa canh đạt chuẩn hữu cơ TCVN 11041-1:2017; TCVN 1104-2:2017 và tiêu chuẩn GACP-WHO, hoàn toàn không dùng thuốc diệt cỏ, mà sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để quản lý sâu bệnh hại trên dây thìa canh, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kết hợp làm sạch cỏ thủ công, kiểm tra ngắt bỏ bộ phận bị
sâu bệnh ngay khi phát hiện, không để lây lan ra diện rộng. Cây thìa canh thường cho thu hoạch tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, có thể kéo dài đến tháng 12 nếu thời tiết thuận lợi. Hiện nay, với diện tích trồng dây thìa canh khoảng 3,5 ha thu hoạch từ 3-4 vụ, 2 tháng thu hoạch 1 lần, sản lượng dự kiến cho 50 tấn tươi /năm.
Anh Cần cho biết: So với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác, cây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần. Quy trình chế biến đạt tiêu chuẩn ORGANIC sau khi được thu hái, nguyên liệu tươi được loại sạch cỏ dại, sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi cắt thái bằng máy công nghiệp. Sản phẩm sẽ được phơi, sao thơm bằng nhà sấy, sau đó để nguội và được chuyển đến phòng đóng gói.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở địa phương tham gia trồng cây dược liệu thìa canh ngay sau khi thu hoạch sẽ bán trực tiếp cho công ty cổ phần sản phẩm thiên nhiên DK với giá 8.000 đồng/ cân. Với khoản thu nhập này, đã giúp đời sống kinh tế của một số hộ là đồng bào người Sán Chí tại địa phương được nâng cao hơn, ổn định hơn.
Anh Phương Văn Dũng, xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh, cho biết: "Từ năm 2011, Công ty đã tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi về vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thìa canh. Mỗi sào, Công ty cho vay 1 triệu đồng để hỗ trợ tiền mua giống, phân bón. Năm đầu tiên, gia đình tôi trồng 3 sào; năm thứ hai trồng 7 sào; năm thứ ba, trồng 1,3 mẫu. Nếu chăm bón tốt, mỗi sào Thìa canh có thể đạt giá trị từ 7 đến 9 triệu đồng/ năm. Đây là loại cây chỉ trồng một lần nhưng lại cho thu hái nhiều lần trong năm".
Năm 2021, sản phẩm trà dây thìa canh DK, từ thìa canh lá to đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là một trong những động lực để người dân phát triển thương hiệu, phát huy nghề trồng, chế biến và bảo tồn nguồn dược liệu quý.
Hiệu quả của mô hình trồng cây dây thìa canh cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi chính là động lực để huyện Phú Lương (Thái Nguyên) thực hiện thắng lợi nhiều tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng, khai thác hiệu quả thế mạnh thông qua những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong quá trình thực hiện, tập quán sản xuất và tinh thần sáng tạo của người dân đồng thời phát huy những ngành nghề truyền thống; định hướng người dân đến nền kinh tế thị trường hàng hóa, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.