Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nhằm góp phần phát huy lợi thế của vùng kinh tế miền Trung và Bắc Trung Bộ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu vực, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường cả ở trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm có thế mạnh của khu vực.
Cụ thể, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng kênh phân phối, củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu…
Ông Hoàng Minh Chiến tin rằng, hội nghị sẽ là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp cận trực tiếp các đơn vị xuất nhập khẩu; nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Công Thương, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã cùng nhau đánh giá kết quả hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu đã đạt được thời gian qua. Đồng thời, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm các giải pháp phù hợp giải quyết các hạn chế tồn tại của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Khu vực Bắc Trung Bộ bao gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. Đây được xem là vùng kinh tế chiến lược của Việt Nam nói chung và của miền Trung nói riêng; gắn kết các Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và Bắc Bộ.
Dù phải đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị kinh tế, xã hội quốc tế nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của từng địa phương, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Chính quyền địa phương các tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án xúc tiến thương mại cấp quốc gia cho các tỉnh trong khu vực. Qua đó, thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và nước ngoài; tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm.
Bên cạnh đó, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các sự kiện chính trị, kinh tế lớn trên thế giới nhưng các doanh nghiệp trong khu vực Bắc Trung Bộ vẫn duy trì ổn định được hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu có xu hướng tăng cả về quy mô và số lượng; thị trường xuất khẩu dần được mở rộng.
Thời gian tới, ngành công thương 6 tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động kết nối thông tin giữa các tỉnh trong nước và các tổ chức xúc tiến thương mại; đa dạng hóa các loại hình xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Cùng đó, chuyển mạnh cơ cấu xuất khẩu cả về mặt hàng và thị trường, chú trọng phát triển theo chiều sâu; khai thác mở rộng thị trường đã ký kết FTA (hiệp định thương mại tự do). Song song đó, khuyến khích đầu tư kho bãi hàng hóa, khai thác hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức đã bố trí các gian hàng và khu vực trưng bày nhằm giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng xuất khẩu của các địa phương.
Dịp này, 8 nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu đã ký kết biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm của 40 nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ.