Kênh bán lẻ tăng lượng trữ hàng, đảm bảo mua sắm an toàn

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã tăng lượng trữ hàng hóa thiết yếu và đảm bảo môi trường mua sắm an toàn tại các điểm bán lẻ.

Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ phòng chống dịch COVID-19 tại toàn bộ hệ thống điểm bán, nhằm đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân. Tại điểm bán như: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… đã bắt đầu tiến hành tăng lượng hàng hóa dự trữ và cung ứng đều đặn ra thị trường với giá cả bình ổn.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op. 

Hơn thế nữa, dự kiến kế hoạch phân phối và bán lẻ của Saigon Co.op có thể đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ yêu cầu bình ổn thị trường trong khoảng 6 tháng tới; trong đó, có thể kể đến những mặt hàng nhu yếu phẩm, gồm: đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, thực phẩm khô và các mặt hàng phòng chống dịch COVID-19 (các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn...)

Hệ thống điểm bán của Saigon Co.op cũng kích hoạt hàng loạt biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại văn phòng làm việc và toàn bộ khu vực mua sắm của siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... Toàn bộ khách hàng đến mua sắm tại điểm bán của Saigon Co.op đều được yêu cầu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách trong quá trình mua sắm và chờ tính tiền tại khu vực thu ngân. 

Hiện, hàng loạt siêu thị Co.opmart và Co.opXtra đã phối hợp cơ quan y tế tiến hành khử trùng không gian mua sắm, tổng rà soát việc phòng chống dịch và triển khai lấy tầm soát hàng nghìn mẫu xét nghiệm nhân viên. Kết quả cho thấy đội ngũ nhân viên tại các điểm bán này có kết quả 100% âm tính.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, hai nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Saigon Co.op trong giai đoạn này là đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và môi trường mua sắm an toàn cho người dân; trong đó, đa dạng phương án vận chuyển hàng hóa, cách ly nếu cần thiết… được chú trọng triển khai và Saigon Co.op cũng phải lên sẵn nhiều kịch bản để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, nhóm hàng nhu yếu phẩm và lương thực, thực phẩm là những mặt hàng trọng tâm Saigon Co.op phối hợp với mạng lưới nhà cung cấp, đối tác luân phiên giảm giá, khuyến mãi để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trong thời gian tới. Saigon Co.op sẽ chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc hạn chế tối đa việc giá cả thị trường bị đẩy tăng cao và tăng cường bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi để tạo thuận lợi cho khách hàng. 

Về phía doanh nhiệp, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản VISSAN cũng cho hay, đã triển khai chương trình khuyến mãi kịp thời trong tháng 5/2021 để góp phần chia sẻ chi phí tiêu dùng thiết yếu với người dân trong bối cảnh dịch COVID-19. VISSAN giảm giá lên đến 15% các mặt hàng thịt lợn VietGAP và thịt bò Australia, gồm: ba rọi lợn rút sườn, sườn non, cốt lết lợn...

Chương trình khuyến mãi này, không chỉ áp dụng tại chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm và điểm bán ở mạng lưới chợ truyền thống, mà còn áp dựng ở nhiều trung tâm thương mại như: AEON Citimart, Satrmart, Satrafood, Vinmart... trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, từ nay đến hết ngày 2/6, người tiêu dùng có thể mua sắm phong phú sản phẩm khuyến mãi của VISSAN được giảm giá luân phiên theo tuần.

Đánh giá về giá cả thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, một số người dân cho rằng, việc những kênh bán lẻ lớn hay doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu chủ động bình ổn thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trước tác động của dịch COVID-19 là rất cần thiết. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ thời điểm cuối tháng 4/2021 đến nay đã gây tâm lý lo lắng cho người dân, đặc biệt là bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực.

Cụ thể, chị Đào Huyền, cư ngụ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh cho rằng, những chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm vừa đảm bảo cho người dân an tâm về đời sống và không cần chi phí dự trữ hàng hóa tại nhà, vừa góp phần chia sẻ khó khăn về kinh tế cho nhiều gia đình. Trên thực tế, khi mua sắm đơn hàng khoảng 1 triệu đồng hàng hóa thiết yếu hay phục vụ bữa ăn hàng ngày tại siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... mà ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có giá ưu đãi thì người tiêu dùng có thể tiết kiệm từ 50.000 - 100.000 đồng cho mỗi đơn hàng.

Tương tự, anh Anh Đức, nhân viên văn phòng tại quận 1, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong thời gian này, mỗi khi gia đình mua sắm đều chú trọng tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu và tiết giảm những sản phẩm xa xỉ. Song song đó, gia đình có con nhỏ nên chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày cũng phải cân đối hợp lý và chú trọng tích lũy phòng rủi ro tài chính. Vì vậy, những chương trình khuyến mãi, giảm giá tập trung vào mặt hàng thiết yếu sẽ tạo điều kiện cho người dân đảm bảo chất lượng bữa ăn hàng ngày và tiết kiệm hơn.

Bài và ảnh: Mỹ Phương  (TTXVN)
Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tháng 4 tăng mạnh so với cùng kỳ 2020
Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tháng 4 tăng mạnh so với cùng kỳ 2020

Bộ Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng mạnh 30,92% so với cùng kỳ năm trước, do tháng 4/2020, cả nước thực hiện giãn cách xã hội để chống sự lây lan của dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN