Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đánh giá của bà Lagarde đã làm dấy lên những lo ngại trên các thị trường tài chính, vốn đang "hoang mang" trước khả năng lạm phát của Mỹ tăng cao sẽ thúc đẩy Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Một số thị trường chứng khoán chủ chốt ngay lập tức cũng giảm 10% hồi tuần trước do mối lo ngại này.
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, bà Lagarde cho biết cải cách thuế của Mỹ sẽ hoạt động giống như một kiểu kích thích kinh tế trong bối cảnh Mỹ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, IMF đang lưu tâm tới những hậu quả của gói cải cách thuế này.
Theo người đứng đầu IMF, Mỹ phải tự đánh giá xem liệu gói cải cách thuế có thể dẫn đến tình trạng tăng lương, tăng giá cả, tăng lạm phát hay không, và liệu hậu quả của nó có thể là "phản ứng của các thể chế tiền tệ", như tăng lãi suất nhanh hơn và thường xuyên hơn hay không.
Bà Lagarde nhấn mạnh điều đó cũng tác động tới tất cả các nền kinh tế thế giới, đặc biệt các nền kinh tế đang ngập trong nợ nần.
Tuy nhiên, bà Lagarde bác bỏ bất kỳ sự so sánh nào với tình hình kinh tế trước thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tháng 1 vừa qua, IMF cho rằng các biện pháp cải cách thuế này có thể sẽ tạo ra những tác động tích cực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế Mỹ cũng như nâng dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới 0,6% lên 2,5% trong năm nay.
Tháng 12/2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cải cách thuế đầy tham vọng trị giá 1.500 tỷ USD, theo đó sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%.
Đây là cuộc cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm qua ở Mỹ và là thành công pháp lý đáng kể nhất của ông Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, gói cái cách thuế này nhận được những phản ứng trái chiều cả trong và ngoài nước Mỹ.
Trước đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cảnh báo luật cải cách thuế mới của Mỹ có thể gây tác động nghiêm trọng đối với thị trường đầu tư nước ngoài toàn cầu khi các doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ có thể "hồi hương" gần 2.000 tỷ USD tiền lợi nhuận từ nước ngoài về Mỹ.