Hướng đi mới để phát triển chăn nuôi bền vững - Bài 2: Nan giải bài toán giảm lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài

Chỉ khoảng 20 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhưng hiện gần 70% thị trường TACN, con giống… đã bị chiếm lĩnh bởi lực lượng này. Nỗi lo người chăn nuôi Việt Nam sẽ trở thành người làm thuê và ngày càng lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài đang trở thành hiện hữu.

Đổ tiền tỷ để... gia công

Được xem như “đại gia” trong làng chăn nuôi gia công gia súc, gia cầm, doanh nghiệp Hùng Nhơn tại tỉnh Bình Phước đang đầu tư hàng chục tỷ đồng cho 18 cơ sở chuyên nuôi gà gia công. Các điểm nuôi của doanh nghiệp hầu hết là mô hình chăn nuôi tự động khép kín trong phòng điều hòa nhiệt độ. Để xây dựng một phòng lạnh đủ nuôi 15.000 con gà, doanh nghiệp phải đầu tư khoảg 5-10 tỷ đồng và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn: Nhiệt độ, an toàn vệ sinh phòng bệnh… “Chúng tôi đang có 8 trại nuôi gà lấy trứng và 10 trại nuôi gà thịt gia công cho thương hiệu TACN Emivest của Malaixia. Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ phát triển thêm, đầu tư chuyên sâu cho heo nái và heo thịt” - anh Nguyễn Hùng Minh, quản lý trại gà Thùy Thảo thuộc công ty, cho biết.

Nuôi gà gia công ở Công ty TNHH Hùng Nhơn.


Không đầu tư hoành tráng như doanh nghiệp Hùng Nhơn, tại tỉnh Bình Dương, phong trào bỏ tiền tỷ ra đầu tư chuồng trại để nhận nuôi gà, heo gia công cho các công ty chế biến TACN cũng đã râm ran trong những người có vốn và khao khát làm giàu. Bắt đầu nuôi từ năm 2008, anh Phạm Nguyễn Kiên ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát hiện nay có 4 trại nuôi gà thịt gia công cho thương hiệu CP của Thái Lan. Theo tính toán của anh, với trung bình nuôi 15.000 con/trại, giá thu mua hiện nay từ 27.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng/lứa (4-5 lứa/năm).

Tại tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh đang nổi lên như hiện tượng thành công trong việc kết hợp với doanh nghiệp chế biến TACN có quy trình chăn nuôi khép kín, tạo hiệu quả cao. Từ TACN do Công ty dinh dưỡng Á Châu (Đài Loan) cung cấp, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng mở rộng hình thức hợp đồng nuôi gia công với các chủ trang trại trong và ngoài tỉnh. Hiện hàng năm doanh nghiệp sản xuất khoảng 3 triệu con gà thịt, trong đó 50% cung cấp cho hệ thống các siêu thị, số còn lại được bán thị trường bên ngoài.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, hiện trên phạm vi cả nước có hàng chục ngàn hộ đầu tư chuồng trại nhận nuôi gia cầm, gia súc theo hình thức gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Nỗi lo gắn bó hữu cơ

Ngành chăn nuôi trong nước các năm gần đây có tốc độ phát triển khả quan nhưng thực tế vẫn phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài từ con giống, TACN cho đến thuốc thú y. Nguyên nhân theo các chuyên gia trong ngành, do năng lực về vốn của doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi còn yếu, sự quan tâm của ngành chức năng chưa tương xứng dẫn đến hậu quả thời gian dài công tác đầu tư cho ngành bị thả nổi. Hệ quả là các khâu trong chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm cho ngành chăn nuôi của doanh nghiệp Việt Nam đều yếu kém so với những công ty nước ngoài.

Sự phụ thuộc về TACN, con giống cũng như đầu ra của những trang trại nuôi gia công theo quy mô lớn, khiến không ít người trong ngành “canh cánh” nỗi lo thị trường thịt gia súc, gia cầm cũng sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng trong tương lai gần. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 - 8.000 con heo, trong đó sản lượng do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp chiếm gần 30%. Điều đặc biệt, do chăn nuôi quy mô tập trung, quy mô lớn nên các công ty nước ngoài thường có “tiếng nói” quyết định về giá bán ra trên thị trường so với hộ gia đình, trang trại nhỏ. Thực tế số hộ có sẵn vốn đầu tư hàng tỷ đồng cho chuồng trại để nhận gia nuôi gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà hầu hết đều vay vốn ngân hàng hoặc huy động người thân, bạn bè. Vì thế, nếu có biến động về giá cả, dịch bệnh, các doanh nghiệp chế biến TACN không cung cấp TACN, con giống, thuốc thú y hoặc chậm trễ việc thu mua... lúc đó phần thua thiệt chắc chắn luôn thuộc về chính người chăn nuôi trong nước.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Bài 3: Người chăn nuôi sẽ được bảo vệ

Hướng đi mới để phát triển chăn nuôi bền vững
Hướng đi mới để phát triển chăn nuôi bền vững

Với mức tăng trưởng hàng năm đạt 5 - 6% và là quốc gia sản xuất thịt đứng hàng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ), ngành chăn nuôi Việt Nam không những đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước mà còn tạo nguồn thu nhập cho hàng triệu hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN