Trong những ngày vừa qua, tại một số đàn lợn của 10 hộ dân ở 2 xã Yên Hòa và Trung Nghĩa đã có 450 con (có tổng trọng lượng gần 36 tấn) dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, toàn bộ số lợn mắc bệnh đã bị tiêu hủy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, trước tình hình trên, ngày 20/2 tỉnh đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh và cấp huyện tại thành phố Hưng Yên và huyện Yên Mỹ.
Tại các ổ dịch ở 2 xã Yên Hòa và Trung Nghĩa, cơ quan chức năng đã khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc khử trùng tiêu độc thường xuyên khu vực có dịch, các đường ra vào ổ dịch; thành lập chốt kiểm dịch, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, làm vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh lây lan. Mặt khác, yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết không bán chạy, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm lợn bệnh và vứt xác lợn bừa bãi ra ngoài môi trường. Đồng thời, cách ly đàn lợn khỏe mạnh và sử dụng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ nhằm tránh lây nhiễm bệnh.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý ngay các ổ dịch khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ chăn nuôi.
Tại các địa phương lận cận vùng dịch như Khoái Châu, Tiên Lữ, lực lượng chức năng cũng đang tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn; tổ chức rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn; khuyến cáo hộ chăn nuôi, giết mổ khi phát hiện lợn ốm chết nghi mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, Sở đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc men, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ các chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn toàn tỉnh.
Mặt khác, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện chặt chẽ việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.
Các cơ quan chuyên môn cũng đã hướng dẫn các trang trại và hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, khử trùng phòng trừ dịch bệnh; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.