Chúng tôi tới thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, một ngày giữa tháng hai khi cả nước đang "nóng" với dịch viêm đường hô hấp cấp - COVID-19. Nếu như ở thành phố, đâu đâu người dân đều đeo khẩu trang khi ra đường thì ở vùng nông thôn này, dường như dịch bệnh không chạm tới. Xóm làng bình yên. Chợ thủy sản đầu thị trấn vẫn tấp nập người mua, kẻ bán với rất ít người đeo khẩu trang.
Kim Sơn là một huyện ven biển nằm ở cực nam tỉnh Ninh Bình. Điều kiện địa lý nơi đây rất phù hợp cho nuôi trồng thủy sản các đối tượng nước lợ như tôm, cua, ngao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nuôi tôm thẻ chân trắng trở thành thế mạnh của vùng đất này.
Dọc con đê Bình Minh dẫn về khối 8, thị trấn Bình Minh, những đầm tôm được quy hoạch gọn gàng, vuông vức. Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, Thạc sĩ Phạm Văn Thùy, phó trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh hào hứng cho biết thời gian qua, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh và siêu thâm canh rất phát triển. Tổng diện tích nuôi tôm trong vùng khoảng 2.000 ha, trong đó gần 200 ha giành cho tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Diện tích còn lại là phát triển theo hướng bán công nghiệp. Một số hộ nuôi theo hình thức siêu thâm canh.
Khi chúng tôi băn khoăn về vấn đề phát triển nuôi tôm nhiều và nhanh như vậy liệu có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái không, anh Thùy khẳng định các mô hình nuôi tôm hiện nay trong vùng hầu hết đều ít nhiều áp dụng công nghệ cao, xử lý chất thải của tôm, quản lý môi trường ao nuôi, quản lý dịch bệnh. Điều này được thực hiện tốt nhờ sự hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án, trong đó phải kể đến dự án Việt-Bỉ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Minh chứng cho những gì mình nói, anh Thùy dẫn chúng tôi tới thăm một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Khu vực nuôi tôm của gia đình anh Đặng Thanh Tân khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Tôm được nuôi trong ao che bạt, có hệ thống quạt thông gió, các trang thiết bị kiểm soát môi trường. Anh Tân nhấc chiếc vó lưới dưới ao lên, vô số tôm to cỡ hơn hai ngón tay nhảy lách tách. Anh phấn khởi chia sẻ lứa tôm này, khoảng 28 con/kg đã đến kỳ thu hoạch với giá trung bình 280.000/kg. Với 8 ha nuôi tôm, anh Tân thu lãi khoảng hơn 3 tỷ đồng/năm.
Sử dụng chế phẩm xử lý nước thân thiện với môi trường
Để có thể phát triển thành công mô hình nuôi tôm trong nhà bạt, anh Đặng Thanh Tân rất chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật đảm bảo sự phát triển của con tôm. Với sự hỗ trợ của dự án nông nghiệp Việt-Bỉ và sự hợp tác của công ty Solvay, cơ sở của anh Tân được trang bị kiến thức khoa học về các chế phẩm xử lý môi trường và được triển khai thử nghiệm một số chế phẩm. Mục tiêu của dự án nông nghiệp Việt-Bỉ là giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi và sử dụng các chế phẩm thân thiện đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như an toàn cho người lao động. Chế phẩm này khi được sử dụng định kỳ trong ao nuôi sẽ ngăn chặn sự phát triển vi sinh vật có hại cũng như mầm bệnh nên có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, chế phẩm cũng giúp cung cấp oxy cho ao nuôi, giúp các loài tảo có lợi phát triển ở mức độ hợp lý, hạn chế làm tôm bị stress, do đó tôm gần như không bị bệnh.
Trong nuôi tôm thâm canh thì dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước là những vấn đề đặc biệt được chú ý bởi vì nguyên tắc cốt lõi để nuôi được tôm, đó là “nuôi tôm là nuôi nước”. Đó cũng chính là mục đích của dự án nông nghiệp Việt-Bỉ. Dự án đã hỗ trợ cho ba hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh nhằm mục đích duy trì sự phát triển bền vững của các mô hình nuôi tôm đồng thời vẫn bảo vệ môi trường.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu, Phó chủ nhiệm Khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết Dự án nông nghiệp Việt-Bỉ với sự tài trợ của Tổ chức hỗ trợ nghiên cứu và giáo dục đại học của Bỉ (ARES), giúp cho cán bộ, giảng viên của Học viện được tiếp cận và triển khai nghiên cứu các vấn đề mới trong phòng thí nghiệm, sau đó được ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Đây là một hướng hợp tác hiệu quả, giúp cho cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, học viên cao học có điều kiện nắm bắt thực tiễn sản xuất, đồng thời làm quen với việc đưa kết quả nghiên cứu từ các trường đại học phục vụ sản xuất.
Đánh giá về dự án, Thạc sĩ Phạm Văn Thùy, phó trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, nhấn mạnh nhờ dự án Việt-Bỉ, các hộ được tiếp cận về kĩ thuật, nhà quản lý trở thành cầu nối giữa đơn vị triển khai dự án và các hộ thực hiện dự án giúp họ được trang bị nhiều kiến thức về xử lí môi trường, xử lí dịch bệnh. Sản phẩm tôm đạt an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Điều này góp phần thúc đẩy nuôi tôm trong vùng phát triển theo hướng thâm canh bền vững.
Kết quả khả quan từ việc đưa nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất của dự án Việt-Bỉ trong nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh, Kim Sơn sẽ giúp nhân rộng mô hình nuôi tôm sạch, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu có hiệu lực, rất cần các mô hình nuôi tôm đảm bảo an toàn thực thẩm để sản phẩm tôm sạch sẽ được xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường EU.