Trong đó, đông nhất là thị trường Nhật Bản có 32.053 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 15.633 lao động; Hàn Quốc là 1.209 lao động; Singapore có 853 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Hơn hai năm qua, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, điều này gây hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.
Trong 2 năm qua, số lao động các doanh nghiệp đã tuyển và chờ xuất cảnh là hơn 80.000 người, trong đó có các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nướcho rằng, việc nhiều lao động đã được tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài nhưng không xuất cảnh được, đã làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của bản thân và gia đình người lao động. Vì vậy, đã có một bộ phận người lao động phải tìm kiếm việc làm khác để ổn định cuộc sống.
Đến nay, một số thị trường các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua.
Nhu cầu tiếp nhận lao động ở các thị trường đang tăng lên. Do đó, Việt Nam đặt chỉ tiêu trong năm 2022 là đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hoàn toàn khả thi.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Cục Quản lý lao động ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động Việt Nam để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tổ chức đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, Cục kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong tình hình dịch bệnh và theo quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài của nước sở tại; Tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác gắn kế giữa doanh nghiệp dịch vụ với các Trường, Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài; Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.