Cụ thể: Hà Nam 78% diện tích cần lấy nước, Phú Thọ 64%, Ninh Bình 60%, Nam Định 49%, Hưng Yên 44%, Bắc Ninh 37%, Thái Bình 36%, Vĩnh Phúc 30%, Hà Nội 30%, Hải Dương 26%. Riêng Hải Phòng chưa lấy được nước do mặn xâm nhập sâu.
Theo Cục Thủy lợi, đợt 1 lấy nước sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/1, theo kế hoạch sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 30/1 (tổng cộng 8 ngày). Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện xả gia tăng các hồ thủy điện từ 12h ngày 20/1 (hồ Hòa Bình) và 0 giờ ngày 20/1 (Hồ Thác Bà và Tuyên Quang), trước từ 2,5 - 3 ngày. Tính đến 15 giờ ngày 22/1, mực nước trung bình ngày tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,7 m, cao nhất lúc 9 giờ đạt 1,97 m.
Khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện mưa với tổng lượng mưa từ ngày 21/1 đến 14 giờ ngày 22/1 khu vực Miền núi phía Bắc phổ biến từ 0 - 15 mm (riêng Cao Bằng, Hà Giang 22 mm); khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 0 - 8 mm (riêng Phú Thọ, Thái Nguyên 12 - 15 mm). Việc có mưa đã giúp đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
Với dòng chảy được bổ sung, các công trình thủy lợi đã được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đủ điều kiện để vận hành lấy nước, sớm hơn thời gian bắt đầu lịch lấy nước khoảng 20 giờ. Các địa phương vùng ven biển đã lợi dụng lúc thủy triều cao vận hành lấy nước khi điều kiện độ mặn cho phép.
Cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để đưa nước lên ruộng, phấn đấu cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt 1 đồng thời tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.
Cục cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành tối đa công suất phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du, nâng mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt trung bình khoảng 1,7 - 1,9 m, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi; cung cấp nguồn điện đảm bảo để các địa phương có đủ điện để vận hành các công trình trong suốt thời gian lấy nước.