Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và đơn vị liên quan quản lý tốt các chương trình cho vay vốn, trong đó nắm rõ hoàn cảnh của từng hội viên vay vốn để hỗ trợ xây dựng kế hoạch đầu tư, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Hội khuyến khích hội viên học hỏi kinh nghiệm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xây dựng mô hình phụ nữ tham gia sản xuất sạch, an toàn; vận động hộ vay thực hiện gửi tiết kiệm đều đặn, duy trì họp tổ tiết kiệm và vay vốn định kỳ.
Trong quá trình thực hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tăng cường kiểm tra, giám sát đối với Hội cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn; giám sát việc sử dụng đồng vốn của người vay, kiên quyết thu hồi nợ quá hạn, hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, lãi tồn đọng. Song song đó, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, đơn vị liên quan hỗ trợ những hộ vay có nợ quá hạn, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng nợ quá hạn; quan tâm, hỗ trợ đối với các khoản nợ vay nguồn học sinh, sinh viên do mới ra trường chưa xin được việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định...
Năm 2018, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức giải ngân nhiều nguồn vốn, giúp 13.743 hộ vay với số tiền trên 206 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này nhiều hội viên phụ nữ đã phát triển sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Điển hình như hộ chị Châu Ngọc Bình (phường 4, thành phố Vĩnh Long) được hỗ trợ vốn mua thêm máy se lai, máy vắt sổ quần áo gia công hàng tại nhà. Nhờ đó, đến nay cuộc sống gia đình chị đã được cải thiện, nhà ở được xây dựng khang trang.
Chị Phan Thị Liễu (xã Long Mỹ, huyện Mang Thít) vay vốn chăn nuôi lợn, nhờ biết ứng dụng khoa học vào sản xuất, nên thu nhập từ đàn lợn ngày càng ổn định, vươn lên thoát nghèo.