"Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam" là chủ đề của hội thảo do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với Hội chuyên gia và khoa học Việt Nam tại Pháp (AVSE) tổ chức ngày 11/6 tại thủ đô Paris.Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Nguyễn Cảnh Cường phát biểu khai mạc hội thảo. |
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý doanh nghiệp là người Việt Nam định cư tại Pháp, Mỹ và các chuyên gia người Pháp.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia và các nhà quản lý đã trao đổi và chia sẻ quan điểm liên quan đến các chính sách thương mại, công nghệ, tài chính, ngân hàng, bảo hộ đầu tư…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết hội thảo này tiếp nối sự kiện được Thương vụ tổ chức vào tháng 2 vừa qua tại Viện quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI) với chủ đề "Cải cách kinh tế Việt Nam: Vai trò của các đối tác chiến lược mới" nhằm giới thiệu các cải cách Chính phủ Việt Nam đang tiến hành.
Mục đích của hội thảo lần này là phát huy lợi thế của địa bàn Pháp, nơi có nhiều người Pháp gốc Việt là các chuyên gia tầm cỡ, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến sự phát triển của Việt Nam nhằm đóng góp các ý kiến, kiến nghị có tính xây dựng.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, giảng viên tại trường Đại học Indiana và Harvard (Mỹ), chuyên gia về chính sách công đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa.
Ông cũng đề cập đến hoạt động nhóm học giả "Sáng kiến Việt Nam vì phát triển và phân tích kinh tế" tập hợp các giáo sư, chuyên gia người Việt Nam định cư tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Australia, Singapore... hiện đang giảng dạy tại các trường đại học, làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đóng góp các ý kiến tâm huyết vào sự phát triển của Việt Nam.
Ông Ghislain Nguyễn là người Pháp gốc Việt, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, đã từng quản lý ngân hàng HSBC tại Việt Nam trong một thời gian dài, hiện làm việc trong bộ phận chiến lược của HSBC France, đã có bài phân tích dưới góc độ thực tiễn về chính sách thương mại và hệ thống ngân hàng như là hai mảng song hành để giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn và nhanh hơn vào nền kinh tế thế giới về thương mại và ngân hàng.
Ông Hà Dương Đức làm việc tại Công ty tin học Officience, nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự phát triển của công nghệ và nền kinh tế liên kết, nhấn mạnh sự ứng dụng ngày càng phổ biến của Internet và các phương tiện điện tử đã góp phần thúc đẩy sự liên kết của các nền kinh tế.
Về phần mình, Tiến sĩ Dreyer Iana, Tổng biên tập trang thông tin Bordelex & Trade Policy về chính sách thương mại, chuyên gia về các hiệp định thương mại tự do đã phát biểu về chính sách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và những vấn đề liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đang trong quá trình đàm phán ở giai đoạn cuối.
Ông Jacques Fourvel, cố vấn của Chủ tịch tập đoàn Casino, công ty mẹ của chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam, đã chuyển tải tới cử tọa và tới các cơ quan quản lý Việt Nam mong muốn rằng chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách tốt hơn trong việc bảo hộ đầu tư nước ngoài, nhờ đó các nhà đầu tư nước ngoài thêm tin tưởng và an tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Trong phần thảo luận tiếp theo, diễn giả và đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những chính sách kinh tế đã được thực hiện tốt thời gian qua, cũng như các bất cập cần khắc phục, đồng thời cho rằng cần tận dụng những thuận lợi và ảnh hưởng tích cực của nền kinh tế thế giới nhằm nâng cao hiệu suất của nền kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhanh hơn vào nền kinh tế thế giới.
Các đại biểu cũng mong muốn những ý tưởng và đề xuất của mình được nghiên cứu để có thể trở thành chính sách thực tiễn cho Việt Nam, nhằm giúp các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn so với mức độ vận hành hiện nay.